Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai mất dần thanh khoản, muốn 'cắt lỗ' cũng khó

Mã QCG của Quốc Cường Gia Lai chỉ giao dịch được hơn 300.000 cổ phiếu. Trong khi lượng dư bán sàn mã này ngày càng nhiều lên, vượt 6,8 triệu đơn vị khi hết phiên sáng nay (23-7).

1 Co Phieu Quoc Cuong Gia Lai Mat Dan Thanh Khoan Muon Cat Lo Cung Kho

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán "yếu" hơn trong phiên giao dịch sáng 23-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đạt hơn 1 triệu đơn vị, theo thống kê một năm trở lại đây.

Ngay trước thời điểm bà Nguyễn Thị Như Loan - tổng giám đốc - bị bắt (hôm 19-7), mã này giao dịch nhiều phiên lên tới 2-3 triệu đơn vị.

Sau khi thông tin kém tích cực từ lãnh đạo chủ chốt "bung" ra, QCG trải qua 3 phiên liên tiếp đều giảm hết biên độ, lượng dư bán sàn ngày càng nhiều trong khi bên mua để "trắng".

Tại phiên sáng nay, thanh khoản cổ phiếu QCG vẫn ì ạch khi khớp lệnh chỉ hơn 300.000 đơn vị, trong khi gần 6,8 triệu cổ phiếu vẫn trong tình trạng "treo" với mức giá bán sàn. Phiên hôm qua còn "thảm" hơn khi chưa tới 60.000 cổ phiếu được khớp lệnh.

Việc tiếp tục giảm sàn (-7%) đã đưa cổ phiếu Công ty Quốc Cường Gia Lai xuống 7.850 đồng một cổ phiếu. Thị giá QCG đã "bốc hơi" gần 20%, kể từ hôm 19-7 đến nay. 

Tại một số "room" chứng khoán online, chuyên gia và môi giới khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc việc "bắt đáy" cổ phiếu QCG dù đang đà giảm giá rất mạnh.

"Không có thanh khoản và dư bán sàn vài triệu cổ phiếu, nếu không có lực cầu lớn để hấp thụ, khả năng sẽ sàn nhiều phiên nữa", một chuyên gia phân tích chứng khoán nhận định.

Ngoài QCG, thị trường sáng nay cũng ghi nhận 19 mã khác rơi cảnh giảm sàn. 

Sau phiên biến động mạnh hôm qua, thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch trong trạng thái thận trọng bao trùm.

Kết phiên sáng, VN-Index giảm tiếp gần 1 điểm, về vùng 1.253 điểm. 

Dòng tiền yếu khi tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ hơn 5.000 tỉ đồng.

Sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện với hơn 350 cổ phiếu giảm điểm. Điểm tích cực hiếm hoi là khối ngoại giảm bán ròng trong sáng nay sau khi trở lại mua ròng trong phiên hôm qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng thanh khoản thấp chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư thận trọng, lo rủi ro.

"Nhà đầu tư trong nước càng thận trọng hơn khi thấy nhiều phiên hàng về là lỗ. Không tìm kiếm được lợi nhuận, họ chán nản, không rời bỏ thị trường nhưng đứng ngoài quan sát", ông Phương nói.

Về chiến lược đầu tư trong giai đoạn này, ông Phương cho rằng lựa chọn cổ phiếu đầu tư trong ngắn hạn là tương đối khó khăn khi VN-Index thiếu vắng động lực lớn để bật lên.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc lúc thị trường điều chỉnh giảm mạnh, mua dần vào nếu cầm tiền. Cổ phiếu tốt thì nên giữ nguyên, chưa bán thì chưa lỗ, vị chuyên gia khuyến nghị. 

Cũng theo ông Phương, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát động thái bán ròng từ khối ngoại và kết quả kinh doanh quý 2-2024.

Đà tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn chững lại?

Theo dữ liệu từ Fiintrade, tính đến ngày 23-7 đã có 352 doanh nghiệp (đại diện 31,3% tổng giá trị vốn hóa trên HoSE, HNX và UPCoM) đã đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý 2-2024.

Trong đó, tổng lợi nhuận sau thuế quý 2-2024 của 352 doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023, chững lại so với mức tăng 22,4% của quý 1-2024 và 40,2% của quý 4-2023.

Nhóm tài chính dẫn dắt đà tăng trưởng nhờ ngân hàng, tuy nhiên lưu ý chưa có đại diện ngân hàng thương mại nhà nước nào đưa ra ước tính kết quả kinh doanh. Nhóm phi tài chính có lợi nhuận tăng thấp.

BÌNH KHÁNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày