Có lẽ, thầy bộ trưởng cần thêm một lần đến với học sinh vùng lũ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thị sát vùng lũ với một đôi dép rọ, khẳng định không để học sinh nào vì khó khăn không thể đến lớp. Nhưng còn việc tăng học phí, với 31,8 triệu người, 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi đại dịch?

Quốc hội vừa bấm nút dự toán NSNN 2021. Theo đó, 2021 sẽ không tăng lương, không tăng trợ cấp, không điều chỉnh chuẩn nghèo. Ngay hôm đó, một dự thảo của Bộ GDĐT dự kiến tăng học phí thậm chí với mức hai con số.

132 1 Co Le Thay Bo Truong Can Them Mot Lan Den Voi Hoc Sinh Vung Lu

(Ảnh Thế Đại/LĐ)

Quốc hội vừa bấm nút dự toán NSNN 2021. Theo đó, 2021 sẽ không tăng lương, không tăng trợ cấp, không điều chỉnh chuẩn nghèo. Ngay hôm đó, một dự thảo của Bộ GDĐT dự kiến tăng học phí thậm chí với mức hai con số.

Ngân sách 2021 dự báo sẽ cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo tính toán, tất cả các khoản chi chỉ thu được 1,3 triệu tỉ, trong khi mức chi dự toán là 1,68 triệu tỉ. Để bù đắp bội chi, chúng ta sẽ phải đi vay 608,5 ngàn tỉ.

Khó khăn về ngân sách ảnh hưởng ngay đến người dân. Bởi theo nghị quyết, năm 2021 sẽ “không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng”. Bởi nguồn lực này để dành phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện an sinh xã hội.

Mức lương cơ sở và chuẩn nghèo cũng thế, sẽ chưa thực hiện điều chỉnh.

Người dân hoàn toàn cảm thông với Chính phủ. Ngân sách như một tấm chăn chật hẹp, đôi khi không thể vô lý đòi mình phải ấm, trong khi bỏ mặc cái lạnh cho người khác.

Không thể tăng lương, vì để đảm bảo chi tiêu, NSNN 2021 còn phải tính cả khoản đi vay 608,5 ngàn tỉ.

Nhưng mà rồi, trong chính cái ngày nghị quyết vừa buộc phải nói đến chuyện không tăng lương, không tăng phụ cấp, không điều chỉnh chuẩn nghèo ấy thì một dự thảo từ Bộ Giáo dục được “lấy ý kiến” với một thông tin choáng váng: Sẽ tăng học phí kể từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (7,5%) cho đến giáo dục đại học (12,5%).

Một hung tin thực sự.

Chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục không hề ít. Tới năm ngoái, đầu tư chính phủ cho giáo dục đã “duy trì mức chi 20% tổng chi ngân sách”. Chi phí cho giáo dục chiếm tới 5,8% GDP, nếu tính cả đóng góp hộ gia đình đã lên tới 8%.

Chi tiêu hộ gia đình cũng là một khoản % trong thu nhập, từ lâu đã là một gánh nặng.

Đối với những người đang phải tằn tiện để có tiền học cho con, liệu “tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục” có phải là một lập luận khả dĩ có thể tin? Để có thể nhắm mắt chấp nhận?

Còn nhớ sau mưa lũ lịch sử, thầy Bộ trưởng, với một đôi dép rọ giản dị đã trực tiếp thị sát, thăm hỏi động viên và hùng hồn: Không để học sinh nào vì khó khăn không thể đến lớp.

Hình ảnh giản dị của thầy Bộ trưởng hôm ấy như một chi tiết biểu tượng về sự cảm thông.

Nhưng “cơn lũ” COVID-19 còn đáng sợ hơn rất nhiều. 31,8 triêu dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vô số mất, giảm thu nhập. Vô số đến giờ còn chưa có việc làm. 2021 sẽ không tăng lương. Rất nhiều cái không, rất nhiều số 0. Trong khi học phí đề xuất tăng, thậm chí đến hai con số.

Có lẽ, thầy Bộ trưởng cần thêm một lần viếng thăm học sinh vùng lũ, để không chỉ cảm thông với học sinh vùng lũ, mà với người dân cả nước, còn chưa kịp gượng dậy sau đại dịch.

 

Nguồn: Báo Lao động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày