Chuyện cán bộ cấp cao giàu nhờ bán chổi chít, nuôi lợn, nuôi gà

Câu chuyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là 2 nữ cán bộ cấp cao đã nhiều lần thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản, lạm dụng chức quyền ký các quyết định có lợi cho bản thân.

132 1 Chuyen Can Bo Cap Cao Giau Nho Ban Choi Chit Nuoi Lon Nuoi Ga

Bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã bị Ủy ban kiểm tra trung ương của đảng cộng sản Việt Nam cảnh cáo.

Theo kết luận mới đây của UBKTTW, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đều phạm phải những vi phạm, khuyết điểm liên quan tới chuyện trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản thiếu trung thực, có hành vi lợi dụng chức quyền để ra những quyết định có lợi cho bản thân và gia đình.

Những vi phạm, khuyết điểm này được xác định là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét để trình Ban bí thư quyết định hình thức kỷ luật.

132 2 Chuyen Can Bo Cap Cao Giau Nho Ban Choi Chit Nuoi Lon Nuoi Ga

Thanh tra Chính phủ đã từng gây sốc dư luận khi báo cáo trước Quốc hội rằng trong tổng số các bản kê khai tài sản của cán bộ được phát ra hầu như không có ai vi phạm trong khai báo.

Cách nay gần 2 năm, tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó Ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay gọi là ban Tuyên giáo) kể: dịp kê khai tài sản vừa rồi có cha đương chức, cấp cao hơn tớ ngày xưa nhiều. Vậy mà khai "tài sản khác" (ý nói là không kể nhà cửa) có năm mươi triệu thì cậu nghe có lọt tai không? Tớ thấy kỳ quặc và hài hước quá! Nếu tổ chức Đảng mà không cải tiến, chấn chỉnh lại việc này thì việc kê khai như lâu nay phỏng có ích gì ...

Thêm một chuyện có thật khác, bạn thân của tôi kể, khi tổ chức yêu cầu cán bộ cấp vụ như anh kê khai tài sản, mọi người rất ngại vì không biết sẽ kê khai ra sao, có nên khai thật không?

Anh quyết định cứ trung thực và khai gia đình anh có cả trăm tỷ. Nhiều người đã cười và cho rằng anh "hâm", ai lại dại thế bao giờ! Anh ấy thì nghĩ khác, cứ khai vậy cho đàng hoàng vì bà xã của anh chuyên kinh doanh bất động sản và chuyên tổ chức sự kiện rất giỏi giang.

Cũng vì thế nên cuộc sống công chức của anh cũng "một tay nhờ vợ" mà anh có điều kiện làm tròn trách nhiệm của một người công chức nghiêm túc, tử tế. Nên nhớ, lần kê khai đó, tổ chức có bắt bẻ ai phải giải trình nguồn thu nhập của khối tài sản đó đâu.

Tôi chợt nhớ có lần Thanh tra Chính phủ đã gây sốc dư luận khi báo cáo trước Quốc hội rằng trong tổng số các bản kê khai tài sản của cán bộ được phát ra hầu như không có ai vi phạm trong khai báo. Tôi vẫn nhớ như in, khi thông tin này được báo chí đăng tải nhiều người bấm bụng cười thầm.

Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an đã phát biểu hôm 5/7 tại Hội nghị giao ban Thanh tra các bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2017 do Thanh tra Chính phủ chủ trì rằng:

"Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay của việc thực hiện kê khai tài sản chính là cơ chế kiểm soát việc kê khai cũng như thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhiều.

Thường thì khi nào có đơn thư tố cáo thì cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện kê khai mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không. Hiện nay chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu. Bởi vậy mới có chuyện nhiều người giải trình tài sản hình thành từ nuôi lợn ,nuôi gà. Vừa rồi câu chuyện ở Yên Bái giải trình như thế. Nhưng xem giải trình có đúng không thì chưa có cơ chế kiểm soát...” - ông Xuất nói.

Bởi vậy nên tướng Xuất cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ cần đưa nội dung thanh tra đối với việc kê khai tài sản vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018.

Ông Xuất còn khuyến nghị nếu việc thanh tra được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc thì những cán bộ thuộc diện phải kê khai sẽ tự giác, trung thực hơn vì sợ nếu kê khai không trung thực sẽ bị phát hiện và xử lý mà vụ 2 nữ cán bộ cấp cao vừa bị "sờ gáy" xem ra là bài học quý giá cho tất cả mọi người.

Xem ra, chủ trương kiểm tra, giám sát tài sản của 1.000 quan chức đang được triển khai chính là một nỗ lực nhằm khẳng định cho lời nói đi đôi với hành động, để từ đó, đảng viên và quần chúng tin tưởng vào chủ trương xây dựng một Chính phủ Kiến tạo, Liêm chính.

Bởi vậy việc trước nhất là phải tìm được những người có "bàn tay sắt" và đương nhiên, bàn tay ấy phải rất sạch tham gia vào cuộc tổng kiểm tra, giám sát nói trên.

Tuy nhiên, một điều cốt tử trong kê khai tài sản cán bộ cũng như giám sát tài chính cá nhân, không thể không tiến hành đồng bộ, đó là hết sức tránh chi tiêu, giao dịch bằng tiền mặt mà tất cả cần phải thông qua tài khoản cá nhân.

Chỉ có vậy mới kiểm soát được thuế má của họ nếu họ có làm ăn hay gì gì đó. Nếu không, người ta dễ dàng khai báo kiểu như vị cán bộ ở sở X, tỉnh Y nọ khai đã từng bán chổi chít ở Hà Nội khi còn đang học đại học mà có tiền khấm khá như bây giờ. 

Người ta có thể vô tư khai nuôi lợn, nuôi gà mà giàu có, mà có biệt thự, xe hơi... Đơn giản là vì chỉ dăm năm nữa, thế hệ sau ai mà biết được vào năm 2017 này, ở nước ta, giá 1 kg lợn hơi rẻ hơn cả mớ rau sạch và từng phải vận động toàn xã hội xắn tay "giải cứu"?

Quốc Phong - TUẦN VIỆT NAM


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày