‘Chuyến bay giải cứu’: Truyền thông Việt Nam khai thác ‘rôm rả’

Truyền thông Việt Nam trong cả tuần đã có những bài khai thác các góc độ khác nhau của vụ án được gọi là "chuyến bay giải cứu" kể từ khi hé lộ số tiền đưa và nhận hối lộ, chạy án lên tới hàng cả trăm tỉ đồng.

1 Chuyen Bay Giai Cuu Truyen Thong Viet Nam Khai Thac Rom Ra

Ảnh minh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam - NGUỒN HÌNH ẢNH,EMPICS

Các báo tại Việt Nam có những 'góc nhìn riêng' khi khai thác và phản ánh nội dung của Cơ quan Điều tra Bộ Công an.

Đáng chú ý trong cuối tuần là bài 'Còn giai đoạn 2 của "chuyến bay giải cứu", hãy đợi đấy!' của tờ Lao Động. Bài báo có đoạn mô tả điều báo này gọi là "số tiền vơ vét quá lớn từ các chuyến bay giải cứu thì không thể chỉ liên quan đến 54 người, mà nhiều hơn".

"Đồng tiền đi có dấu vết, cơ quan điều tra sẽ truy ra tất cả," bài ra hôm Chủ nhật viết.

Bài này "đánh tiếng" tới những đối tượng "chưa bị lộ" rằng "những ai có liên quan đến "chuyến bay giải cứu" chưa bị gọi tên không có nghĩa là thoát lưới pháp luật".

Cựu Trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, người khai đã nhận hối lộ gần 4,3 tỉ đồng được mô tả là đã khai trong số tiền nhận hối lộ đã "đưa một phần cho người khác. Người khác đó là ai chắc hẳn có tên tuổi và địa chỉ". Truyền thông Việt Nam trước đó mô tả cựu trợ lý Phó Thủ tướng nhận 10.000 USD cho mỗi chuyến bay giải cứu.

Bài của báo Lao Động viết tiếp: "Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, gần 43 tỉ đồng. Liệu bị can này ôm hết ngần đó tiền, hay còn "cúng" cho ai khác nữa?

"Tốt hơn hết, nếu đã cầm tiền hối lộ hay đưa hối lộ, nên tự giác đầu thú vì sớm muộn cũng "vào lò"" bài của báo Lao Động kết luận.

Cũng vào hôm Chủ nhật, tờ Dân Trí có bài mô tả "Trong kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an xác định có cá nhân có liên quan, nhưng không đủ căn cứ xử lý hình sự".

Bài báo đề cập tới các ông Lê Quang Long, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (Đức), Phạm Hoàng Tùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Nguyễn Tùng Lâm, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Nguyễn Trung Dũng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada... nhưng "không có căn cứ để xử lý hình sự".

2 Chuyen Bay Giai Cuu Truyen Thong Viet Nam Khai Thac Rom Ra

Bê bối Việt Á và 'Chuyến bay giải cứu' lan đến thành phần nằm trong Bộ Chính trị Việt Nam. - NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP

Nên minh bạch lý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức

Cùng ngày, báo điện tử Dân Trí đặt câu hỏi về việc những người mua vé trên các chuyến bay giải cứu có được coi là bị hại và được hoàn trả lại số tiền chênh lệch hay không khi chi phí các chuyến bay bị độn lên nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp tới hành khách.

Bài 'Các hành khách trên "chuyến bay giải cứu' có được hoàn trả lại tiền?' dẫn lời Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, nói rằng "kết luận điều tra của Bộ Công an không xác định các công dân về nước trên chuyến bay giải cứu là bị hại, thậm chí, chưa xác định tư cách của họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

"Kết luận điều tra còn không thể hiện số tiền người dân phải trả chênh lệch cho mỗi chuyến bay".

"Nếu hành khách cho rằng đã phải chi số tiền lớn hơn bình thường, thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền. Lúc này, mối quan hệ giữa hành khách và các đơn vị tổ chức chuyến bay là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.

"Giá vé máy bay, dịch vụ lưu trú thường biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể với các dịch vụ này. Vì vậy, sẽ rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các đơn vị đã thu tiền dịch vụ của hành khách," luật sư Cường nói thêm.

Báo Tiền phong cũng trong ngày Chủ nhật 9/4 có bài mô tả bị can Trần Việt Thái, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp thu tiền không đúng quy định của người mãn hạn tù trong quá trình thực hiện "chuyến bay giải cứu". Số tiền chênh lệch, nhóm Thái chia nhau hưởng lợi, gây thiệt hại 11,6 tỷ đồng.

"Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền thu được của người thân hoặc chủ lao động của người mãn hạn tù qua các tài khoản ngân hàng là 44,6 tỷ đồng. Số tiền này, các bị can sử dụng 33 tỷ đồng chi phí cho việc tổ chức 8 chuyến bay, như: Thanh toán vé; nộp ngân sách lệ phí cấp hộ chiếu; đưa bồi dưỡng cho cán bộ các trại chờ của Malaysia và xét nghiệm COVID-19.

"Còn lại 11,6 tỷ đồng, bị can Trần Việt Thái chỉ đạo sử dụng hơn 1,1 tỷ chi hỏa táng cho những người mãn hạn tù bị chết vì COVID-19 nhưng việc hỏa táng này cơ quan điều tra xác định, đã diễn ra trước khi thực hiện các chuyến bay giải cứu, nên không được chấp nhận" bài báo viết.

Bình luận về bài báo này, nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội viết trên Facebook cá nhân viết: "Tên này ăn cướp cả những người xa cơ, lỡ vận".

Nguồn: BBC


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày