Để tránh trầy xước cho 3 toa tàu, 10 chuyên gia thuộc tổng thầu Hitachi (Nhật Bản) theo sát công tác tháo dỡ cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân cảng.
Kỹ sư, công nhân mở dây chằng buộc hàng hóa cho kiện hàng tàu metro. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ba toa tàu metro số 1 được chở bằng tàu Bayani của Philippines, đi từ cảng Kasado (Nhật Bản) về cảng Khánh Hội.
Gần 9h, đội ngũ kỹ sư, công nhân bắt đầu mở lashing (dây chằng buộc hàng hóa) cho kiện hàng tàu metro. Công nhân mở nắp hầm và dùng cẩu tàu có chiều dài 32 m, sức nâng hơn 30 tấn để nâng hạ toa tàu xuống rơ-moóc của xe siêu trường, siêu trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho hay công tác dỡ hàng mất khoảng 8 giờ. Để tránh xảy ra trầy xước trong quá trình xếp dỡ, có 10 chuyên gia thuộc tổng thầu Hitachi (Nhật Bản) theo sát công tác tháo dỡ cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân cảng.
Đến 9h30, nắp khoang hàng chứa tàu metro đã được mở. Sau đó, công nhân tháo dây chằng buộc, lót đệm cho toa tàu. Công đoạn này phải thực hiện bằng tay.
Ba toa tàu metro số 1 cập cảng Khánh Hội sáng nay. Ảnh: Phạm Danh.
Ông Đào Quyết Tiến (Giám đốc cảng Hiệp Phước, phụ trách cảng Khánh Hội) cho biết đây không phải lần đầu đơn vị tiếp nhận hàng hóa, thiết bị đặc biệt.
"Tuy nhiên, chúng tôi được tin tưởng, đồng hành cùng TP.HCM đón nhận đoàn tàu metro đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đó là ý nghĩa rất lớn, vì đây là công trình trọng điểm quốc gia được mong đợi nhiều năm qua"' ông Tiến nói.
10h, đội ngũ kỹ sư canh đo vị trí của dây cáp nối toa tàu. Ba xe siêu trường, siêu trọng đã được lắp đặt ngáng (giá đỡ) lên rơ-moóc. Toa tàu sẽ được nối cố định vào ngáng này, để giữ khoảng cách với sàn rơ-moóc.
10h30, công nhân nâng ngáng chuyên dụng lên khoang hàng. Toa tàu trong khoang được móc vào gù (điểm bám tiếp xúc trang thiết bị) để chuẩn bị đưa lên cao. Trong khi thực hiện, chuyên gia của Hitachi yêu cầu công nhân không được chạm tay hoặc bất kỳ tiếp xúc nào đến đoàn tàu metro.
Trước khi 3 toa tàu được hạ tải, an ninh khu vực cảng được thắt chặt.
Công nhân nâng ngáng chuyên dụng lên khoang tàu. Ảnh: Duy Hiệu.
Dự kiến ngày 10/10, đoàn tàu metro được vận chuyển bằng xe siêu trường, siêu trọng đến depot Long Bình (quận 9).
Tổ hợp xe này có sức chở trên 200 tấn, sức kéo của đầu xe là 250 tấn và được kết nối với các rơ-moóc thủy lực chuyên dụng 12 trục nối nhau. Khối lượng cho phép của mỗi trục là 32 tấn.
Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết đơn vị đã sử dụng xe chuyên tải, thử tải kiểm tra tại khu vực depot Long Bình, nơi sẽ chạy thử tàu trong giai đoạn tới.
Ngày 30/9, đoàn tàu metro số 1 rời Cảng Kasado Nhật Bản. Đoàn tàu trải qua 8 ngày vận chuyển và có mặt tại Việt Nam vào sáng 8/10. Đây là 3 trong số 51 toa tàu đầu tiên của toàn tuyến.
Cảnh lai dắt tàu vận chuyển đoàn tàu metro số 1. Ảnh: Chí Hùng.
Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu được sản xuất tại Nhật Bản. Giai đoạn đầu, MAUR sẽ nhận và vận hành loại tàu có 3 toa (dài 61,5 m). Với sức chở 930 khách (147 khách ngồi, 783 khách đứng), tàu có tốc độ tối đa khoảng 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h khi chạy ngầm.
Tàu metro sẽ được chạy thử theo 3 giai đoạn. Bước đầu, tàu chạy thử trên đoạn Bình Thái - depot Long Bình (quận 9); kế đến là từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận 2). Đến đầu năm 2021, tàu chạy thử giai đoạn cuối từ ga Văn Thánh đến ga Bến Thành (quận 1).
Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Thành phố đặt mục tiêu cuối năm nay, dự án đạt 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021. Hiện toàn tuyến đạt gần 76% khối lượng.
Xe siêu trường vận chuyển tàu metro số 1 bằng cách nào? Tổ hợp xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển tàu metro số 1 gồm 3 chiếc, có sức chở trên 200 tấn với hơn 110 bánh.
Thư Trần
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC