Chưa đủ bù lỗ, Tập đoàn EVN đề xuất tăng giá điện lần 2 vào tháng 9/2023

Sau khi điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực (EVN) tiếp tục có văn bản đề xuất với Chính phủ tăng giá điện lần 2 vào tháng 9/2023 với lý do mất cân đối tài chính, thua lỗ. Theo EVN, mức tăng giá 3% vừa qua giúp tăng doanh thu thêm 8.000 tỷ đồng, trong khi năm 2022 thì EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

1 Chua Du Bu Lo Tap Doan Evn De Xuat Tang Gia Dien Lan 2 Vao Thang 92023

Dù EVN lỗ nhưng Tổng công ty Phát điện 3 (công ty con) báo lãi sau thuế năm 2022 đạt hơn 2.500 tỷ đồng. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Theo Cổng thông tin Văn phòng Chính phủ, trong báo cáo trình Chính phủ, Tập đoàn EVN và các đơn vị thành viên cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Theo EVN, việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4/5 (lên mức 1.920 đồng/kWh chưa gồm VAT), dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm 2023.

Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ tiếp. Nếu cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang hơn 26.460 tỷ đồng, dự kiến 2 năm liên tiếp EVN lỗ 40.884 tỷ đồng (hơn 1,73 tỷ USD).

EVN tiếp tục đề xuất được điều chỉnh giá bán điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp các khoản lỗ nói trên. Đồng thời, tập đoàn này còn muốn Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, qua đó cho phép EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện theo các thông số đầu vào trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, Bộ Công thương từng đề xuất cho phép EVN điều chỉnh giá điện khi chi phí đầu vào thay đổi 1%, thay vì 3% như Quyết định 24.

Việc giá bán lẻ điện bình quân được giảm từ 3% xuống còn 1% thuộc thẩm quyền của EVN sẽ khiến biến động giá cả có thể được điều chỉnh với biên độ nhiều hơn.

ác đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng không phải cứ thua lỗ là EVN xin tăng giá điện, chưa kể nhiều năm trước EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính hết vào giá điện, đến nay việc thanh tra chưa công bố thông tin.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói: “Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao”, báo VTC dẫn lời.

Ông Vân cũng chỉ rõ nguyên nhân về tình trạng “bội thực” năng lượng tái tạo hiện nay. Theo ông, việc sản xuất điện cần phải song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải nhưng vừa qua hai việc này lại thực hiện không đồng bộ.

“Lúc thì đồng ý cho bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo nhưng khi sản xuất ra, năng lực truyền tải có hạn dẫn đến có điện mà không tiêu thụ được. Cùng với đó, cơ sở pháp lý của các dự án cũng chưa minh bạch gây khó khăn khi hòa mạng”, ông Vân nói và cho rằng nếu khắc phục được những vấn đề này từ trước thì sẽ không thiếu điện và không phải tăng giá điện.

Ngoài ra, kết quả năm 2022, nhiều công ty thành viên, công ty con trực thuộc Tập đoàn EVN báo lãi lớn cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Cụ thể, hai doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) lần lượt báo lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng (tăng 30%) và gần 3.700 tỷ đồng (gần gấp đôi kế hoạch).

Trọng Minh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày