Từ 15/8, Thông tư 24 có hiệu lực thi hành, quy định về biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của mỗi người.
Theo đó, người mua bán ô tô, xe máy cũ phải lưu ý các quy định của thông tư để tránh gặp rắc rối cũng như bị phạt.
Thị trường xe máy cũ ế ẩm
Dạo quanh các cửa hàng mua bán xe máy cũ tại TP Hà Nội nằm trên đường Láng (quận Đống Đa), chợ xe máy Chùa Hà (quận Cầu Giấy)... nhiều chủ cửa hàng cho biết mấy ngày qua lượng khách đến mua, bán giảm mạnh.
Anh Phùng Việt Hưng, quản lý cửa hàng mua bán xe máy cũ ở 926 đường Láng chia sẻ, hơn một tuần nay lượng khách đến mua xe tại cửa hàng giảm từ 80 đến 90% so với thời điểm này năm trước.
Trước 15/8, cửa hàng của gia đình anh Hưng bán từ 5 đến 10 xe máy nhưng hơn một tuần nay ngày chỉ bán được 1-2 chiếc, có ngày không bán được xe nào.
Khách đến hỏi các thông tin về xe và biển số định danh tại cửa hàng của gia đình anh Phùng Việt Hưng rồi nhanh chóng rời đi (Ảnh: Nguyễn Hải).
Anh Hưng cho biết, trước khi Thông tư 24 có hiệu lực, một ngày cửa hàng nhận 50-60 cuộc gọi của khách hỏi mua xe, tư vấn các loại xe và có từ 7 đến 10 khách đặt mua.
Tuy nhiên, sau 15/8, cửa hàng một ngày nhận 70-80 cuộc gọi của khách hàng nhưng chủ yếu hỏi về việc sang tên đổi chủ, biển số định danh và không có người mua.
Theo anh Hưng, thời điểm này nếu khách có nhu cầu mua xe, cửa hàng sẽ viết giấy bán, giấy cam kết và dự kiến 1-2 tháng sau sẽ liên hệ lại với khách để làm các thủ tục sang tên đổi chủ, biển số định danh.
Dòng xe Honda SH cũ mang biển số đẹp luôn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng nhưng những ngày gần đây cũng trong tình trạng ế ẩm, giảm giá.
Do không bán được xe đang trưng bày nên cửa hàng của anh Hưng không dám mua thêm xe, giá xe cũ giảm từng ngày.
"Giờ chỉ bán được xác xe còn biển số chủ cũ họ giữ lại nên nhiều khách hàng không còn mặn mà với biển số đẹp.
Các năm trước vào thời điểm này thị trường xe cũ luôn nhộn nhịp vì đầu năm học mới nhiều gia đình có nhu cầu mua xe cho con; nhưng năm nay quá ảm đạm, mọi người chuyển sang mua xe mới vì ngại các thủ tục mua bán", anh Hưng giãi bày.
Chủ cửa hàng cho biết thêm, theo Thông tư 24 khi chuyển quyền sở hữu, chủ xe cũ phải làm thủ tục thu hồi đăng ký và biển số (kê khai trên cổng dịch vụ công), trực tiếp nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe.
Anh Lã Văn Hòa, chủ cửa hàng xe máy cũ tại phố Chùa Hà, rảnh rỗi vì vắng khách (Ảnh: Nguyễn Hải).
Tuy nhiên, thủ tục về chuyển quyền sở hữu có phần phức tạp, hệ thống kê khai trực tuyến chưa ổn định, phải đi lại nhiều lần khiến khách hàng e ngại.
Anh Hưng nhận định Thông tư 24 sẽ rất thuận tiện trong việc quản lý của các cơ quan chức năng đối với phương tiện lưu thông nhưng với người mua, bán xe sẽ gặp khó khăn, vướng mắc.
Hơn 10 ngày nay chợ xe máy cũ Chùa Hà gần như "đóng băng" (Ảnh: Nguyễn Hải).
Bùi Văn Tuyển là nhân viên bán hàng tại cửa hàng xe máy cũ trên đường Láng chia sẻ, trước khi Thông tư 24 có hiệu lực, trung bình cửa hàng bán được 4-5 xe mỗi ngày. Nhưng hơn một tuần qua, cửa hàng nơi Tuyển làm việc mới bán được 2 xe.
Chợ xe máy cũ lớn nhất Hà Nội "đóng băng"
Tại chợ mua bán xe máy cũ lớn nhất Hà Nội nằm tại khu vực phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy) gần 10 ngày qua việc mua bán cũng trong tình trạng ế ẩm.
"Cả chợ toàn các chủ cửa hàng với nhau, ngồi cả ngày không tiếp được khách nào, trước 15/8 một ngày bán 5-7 xe, giờ cả ngày không bán được cái nào", anh Lã Văn Hòa, chủ cơ sở kinh doanh xe cũ trên phố Chùa Hà, than thở và cho biết đã kinh doanh xe máy cũ 13 năm nhưng chưa bao giờ thấy thị trường ế ẩm như thời gian này.
Các xe mua, bán tại chợ xe Chùa Hà được kiểm tra nghiêm ngặt về số khung, số máy, khung, gầm... (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ông Trịnh Thanh Bình (53 tuổi) kinh doanh xe máy cũ từ năm 1992 khẳng định, chợ xe Chùa Hà là nơi buôn bán xe cũ lớn nhất cả nước.
Ông nhận định, từ ngày 15/8 đến nay chợ xe Chùa Hà "đóng băng", các loại xe dưới 50 phân khối cũng không có khách hỏi mua.
Do quá vắng khách, một số chủ cửa hàng đành đóng cửa tạm nghỉ. Mặc dù không có khách nhưng cửa hàng lại liên tục nhận được điện thoại của khách cũ hỏi về thủ tục sang tên theo Thông tư 24 cho chiếc xe đã mua.
Dòng xe Honda SH biển số đẹp mấy ngày qua mất giá thê thảm vì quy định biển số định danh (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ông Bình cho hay, theo Thông tư 24 khi làm thủ tục sang tên, cơ quan chức năng yêu cầu chủ xe cũ phải làm thủ tục thu lại biển số nhưng nhiều xe đã mua, bán cách đây 3-4 năm, không biết chủ xe cũ ở đâu, hoặc có chủ xe đã mất, nên việc này rất khó.
"Theo thông tư mới, khi chủ cũ ra cơ quan chức năng để thu hồi biển thì phải tới phòng công chứng, nếu chủ cũ đã lập gia đình thì cả hai vợ chồng cùng đến. Sau đấy, vợ chồng chủ cũ phải kê khai thông tin trực tuyến rồi tiếp tục ra công an để làm thêm thủ tục. Điều này khiến người dân cảm thấy mệt mỏi, tạo tâm lý e ngại khi mua, bán xe cũ", ông Bình nói và mong muốn thời gian tới thủ tục sang tên xe máy cũ sẽ thuận lợi, đơn giản hơn và không để xảy ra vi phạm.
Thông tư 24/2023 quy định, khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới của xe.
Ngoài ra, chủ cũ của xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày Thông tư 24 có hiệu lực thi hành mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.
Nếu chủ xe làm thủ tục thu hồi trước 15/8 thì số biển số đó được chuyển vào kho để cấp lại cho người khác.
Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu, biển số xe đó được cơ quan đăng ký thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Biển số được lưu giữ lại cho chủ xe trong 5 năm, kể từ ngày thu hồi đăng ký, biển số. Quá thời hạn trên, cảnh sát sẽ thu hồi đưa vào kho số để thực hiện đăng ký cho xe khác.
Nếu chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang nơi khác thì được giữ lại biển số định danh đó, không phải đổi biển.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC