Chính quy mua bán bằng như ở chợ, tại chức thế nào?

Sau khi lãnh đạo ngành giáo dục tuyên bố "chúng ta vừa có một kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc" thì vụ gian lận điểm thi tày đình ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La bùng ra ngay sau đó, đến nay vẫn đang xử lý.

132 1 Chinh Quy Mua Ban Bang Nhu O Cho Tai Chuc The Nao

Năm nay cũng vừa có một kỳ thi THPT quốc gia "an toàn, nghiêm túc" (hy vọng là thật) thì nổ ra vụ mua bán bằng cử nhân động trời ở Trường Đại học (ĐH) Đông Đô. Tiếp theo đó là không ít vụ việc đau lòng khác nữa, như trường hợp nữ giáo viên quỳ gối trong sân UBND tỉnh để xin gặp lãnh đạo tường trình về việc bị chuyển trường; hay vụ em học trò lớp 1 Trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị quản sinh bỏ quên trên xe đưa đón...

Trong số đó, vụ án mua bán văn bằng 2 ở Trường ĐH Đông Đô mà Cơ quan Điều tra Bộ Công an vừa khởi tố và bắt giam một số lãnh đạo, cán bộ của trường này là đáng sợ nhất. Trong môi trường sư phạm, lại là cấp ĐH, mà ông hiệu trưởng táo tợn chỉ đạo thuộc cấp lập văn bằng ảo để bán; mọi hoạt động chiêu sinh, thi tuyển, đào tạo... đều làm khống; giá mỗi tấm bằng 40-150 triệu đồng, tùy mua bán trực tiếp hay qua "cò". Theo Cơ quan Điều tra, đã có khoảng 600-700 văn bằng được bán ra theo kiểu này, thật khủng khiếp!

Không ít trung tâm Anh ngữ, các lò đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ đang rúng động vì nhận học viên sử dụng văn bằng 2 giả mạo từ trường ĐH này. Nhưng run rẩy hơn là những cá nhân đã mua bằng cử nhân tiếng Anh giả để được quy hoạch, tăng lương, nâng ngạch, thăng quan, tiến chức và học sau ĐH (thạc sĩ) hoặc làm nghiên cứu sinh (tiến sĩ). Tất cả là vì con đường danh lợi. Con đường ấy được lát bằng "bê-tông cốt tre" nên bong tróc rất sớm!

Ai mua bằng? Tất nhiên, thường dân chẳng ai bỏ hàng chục triệu đồng mua tấm giấy lộn vô giá trị đó. Theo cơ quan chức năng, mua bằng "chủ yếu là những người có uy tín trong xã hội". Nói rõ hơn, họ là những cán bộ, quan chức ở nhiều sở - ngành (tại Hà Nội), cùng nhiều người đang học thạc sĩ, tiến sĩ.

Đó mới là đại họa. Mức độ gây hại của nó không thua vụ gian lận điểm thi là mấy. Tấm bằng giả trở thành giấy thông hành để họ chễm chệ trèo cao chui sâu vào bộ máy công quyền. Nó tước đoạt cơ hội việc làm và tương lai của biết bao nhiêu người học thật - bằng thật khác. Mua bán bằng giả không chỉ vi phạm quy chế đào tạo của ngành giáo dục và vi phạm pháp luật, mà khi đương sự là quan chức thì hành vi ấy tạo ra một vết nhơ trong hệ thống công quyền, khiến người dân mất lòng tin.

Đáng sợ hơn, chỉ những người kém tài, kém đức mới nhờ tới bằng giả, nếu không bị phát hiện thì họ sẽ lãnh đạo thế nào? Còn bao nhiêu trường hợp chưa bị lộ? Hỏi mà không dám nghĩ tới câu trả lời.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo để cho hiện trạng đào tạo văn bằng 2 tràn lan như thời gian qua thì vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là không thể tránh khỏi. Cũng từ "quả bom" này, rất đáng lo khi kể từ ngày 1-7-2019 (thời điểm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực thi hành), bằng ĐH được đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông đều có giá trị ngang nhau.

Chính quy mà mua bán như ở chợ thì đào tạo tại chức, từ xa, liên thông sẽ bát nháo thế nào? Một lần nữa hỏi mà không dám nghĩ tới câu trả lời!

Dương Quang; ảnh: TTO

 

Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày