Sơ đồ Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Chiến dịch biên giới năm 1950.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn về thăm lại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950. Đây là địa điểm cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km (theo hướng quốc lộ 4A từ Cao Bằng đi Lạng Sơn) gồm 19 điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 3 xã và 1 thị trấn của huyện Thạch An bao gồm: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 (xã Đức Long); Cụm di tích cứ điểm Đông Khê (thị trấn Đông Khê); Cụm di tích Khau Luông (xã Đức Xuân); Cụm di tích Cốc Xả - điểm cao 477 (xã Trọng Con). Trong đó, các điểm liên quan đến Chiến dịch Biên giới năm 1950 được phân bố chủ yếu trong Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 và Cụm di tích cứ điểm Đông Khê.
Cụm di tích Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại cụm di tích Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, địa điểm này đã được Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu I, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng theo kiến trúc nhà sàn hiện đại và đưa vào sử dụng từ ngày 19/5/2004. Tại đây đang trưng bày 63 hình ảnh tư liệu liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến dịch Biên giới năm 1950 và một số hiện vật khác như: súng, đạn cối, chảo nấu ăn, sa bàn điện tử…
Khu tưởng niệm đài liệt sĩ gắn với Cụm di tích cứ điểm Đông Khê.
Tiếp đó là Khu tưởng niệm đài liệt sĩ gắn với Cụm di tích cứ điểm Đông Khê (thị trấn Đông Khê).Đây là cứ điểm quan trọng của Pháp (Trại gia binh), nơi ở của binh lính Pháp trong thời kỳ chiếm đóng Cao Bằng. Vị trí này đã được Thực dân Pháp cho xây dựng đồn ở rất kiên cố, có hầm hào công sự, lô cốt, xung quanh đồn được rào bằng dây thép gai. Xung quanh khu trung tâm, trên những mỏm đồi và núi đá là một vành đai gồm các cứ điểm ngoại vi, các cứ điểm có hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, được xây dựng liên hoàn có thể chi viện hỗ trợ nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi địch tương đối yếu. Nhưng đây lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội tiêu diệt chúng trong vận động. Do vậy đúng 6 giờ ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng pháo kích vào cứ điểm Đông Khê, mở màn cho Chiến dịch Biên giới. Cũng trong sáng sớm 16/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới 1950".
Sau chiến dịch Biên giới quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.300 tên địch đồng thời giải phóng toàn tuyến biên giới Việt – Trung và chọc thủng “Hành lang Đông - Tây” của Pháp.
Với vị trí, vai trò và ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950.Bên cạnh đó nhằm phát huy giá trị truyền thống lịch sử và tiềm năng khai thác du lịch. Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt đã phối hợp với Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Cao Bằng đã cho phục dựng lại không gian sinh hoạt của binh lính Pháp và trưng bày bổ sung một số hình ảnh tư liệu lịch sử liên quanđến di tích cứ điểm Đông Khê.
Thắng lợi của chiến thắng Biên giới năm 1950 đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối chiến tranh "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính" mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Bài học về phát huy giá trị nội lực, xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng quân đội để làm nên chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Một số hình ảnh khác của đoàn:
Bài và ảnh: PV
Nguồn: Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế
© 2024 | Thời báo ĐỨC