Cha đẻ ô tô điện made in Vietnam tạm ngưng chế tạo

Ông Trần Minh Tâm, cha đẻ chiếc ô tô điện CITY 18 đã tạm ngưng việc chế tạo do gặp khó khăn về tài chính.

Ông Trần Minh Tâm (huyện Củ Chi, TP.HCM), cha đẻ của chiếc ô tô điện "made in Vietnam" CITY 18 đang phải tạm dừng đam mê sáng chế ô tô do gặp khó khăn về tài chính.

Chia sẻ với Đất Việt, ông Tâm cho biết, dù có rất nhiều ý tưởng nhưng hiện tại đang là thời điểm rất khó khăn, không có tiền nên ông đành cất ngăn kéo để đấy.

"Hiện giờ tôi đã dừng công việc chế tạo, còn vẫn thiết kế. Hễ chợt nghĩ ra cái gì thì tôi sẽ ghi chép để lại, khi nào có chút đỉnh tiền tôi sẽ làm dần dần", ông Tâm kể.

Chiếc ô tô điện CITY 18 của ông Tâm được một doanh nghiệp mời tham gia trưng bày trong gian hàng của họ tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 14 về ô tô, xe máy, xe đạp điện và công nghiệp phụ trợ (Saigon Autotech & Accessories 2018) hồi cuối tháng 5. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp có hứa hẹn hợp tác, tuy nhiên, cho đến nay đã 2 tháng trôi qua, việc hợp tác vẫn chưa thể thành hiện thực.

"Sau triển lãm, họ không liên lạc, gọi điện cũng không trả lời", ông Tâm nói.

132 1 Cha De O To Dien Made In Vietnam Tam Ngung Che Tao

Ông Trần Minh Tâm bên chiếc ô tô điện CITY 18 tại triển lãm hồi tháng 5/2018

Dẫu có chút thất vọng nhưng ông Trần Minh Tâm cũng không lấy đó mà buồn lâu bởi ông đã quen với cuộc sống như vậy. Trước đó, ông cũng đã nhận được 3 lời mời hợp tác, nhưng cuối cùng không đi đến đâu.

"Tôi chỉ cần tìm người có cùng đam mê với mình. Tôi không quan niệm là nhất định phải dựa dẫm vào một người nào đó, quan trọng là tìm được đối tác thực lòng với mình để sản phẩm ra đời cho người Việt Nam sử dụng.

Ai cũng ham làm giàu, cũng muốn có tiền, bản thân tôi không phải không quan tâm, nhưng đó không phải là yêu cầu bắt buộc. Điều tôi mong muốn nhất, khao khát nhất là làm sao có được loại xe do chính người Việt Nam làm ra, và người Việt sử dụng phương tiện đó.

Hiện tại, chiếc CITY 18 của tôi chưa hoàn hảo, muốn làm cái mới thì phải đầu tư lớn, do đó, tôi chỉ có cách làm việc kiếm sống qua ngày, khi nào có cơ hội thì sẽ làm tiếp", ông Tâm chia sẻ.

Ông Tâm gọi chiếc CITY 18 là phiên bản 1, để làm mẫu. Chính vì thế, ông không chạy chiếc xe này để nó không bị cũ đi.

Ấp ủ sáng chế phiên bản 2, ông Tâm kỳ vọng sẽ làm được chiếc ô tô vừa chạy điện vừa chạy xăng, lại có khả năng nâng gầm để vừa đảm bảo môi trường, vừa chạy trơn tru mỗi khi đường ngập lụt.

"Nếu phát triển chiếc xe thứ 2 trên phiên bản 1 thì sẽ phí công và không hoàn hảo, tôi làm mới từ đầu mới để đúng quy trình. Dĩ nhiên, làm một chiếc xe ô tô rất tốn kém nhưng tôi tin rằng sẽ không tốn nhiều như chiếc CITY 18 bởi tôi đã có kinh nghiệm, công nghệ. Ngày xưa, khi làm chiếc đầu tiên, tôi là kẻ dò đường, phải mày mò, cắt, hàn... giờ nếu có tiền tôi sẽ làm rất nhanh, thậm chí có lẽ không tới 6 tháng có thể cho ra sản phẩm.

Chỉ cần tìm được người có đam mê giống tôi và có tiền, tôi sẽ làm được", ông Trần Minh Tâm cho biết.

Trước đó, ông Tâm đã không dám cộng sổ khi làm chiếc CITY 18. Ước tính trên nửa tỷ đồng đã được người đàn ông này đổ vào chiếc xe và công sức của ông thì gấp mấy lần tiền thiết bị.

Dù đã thiết kế phiên bản 2 nhưng cha đẻ của chiếc ô tô điện "made in Vietnam" cũng không quá hy vọng về các nhà tài trợ bởi ông cho rằng công việc của ông là đam mê, sáng tạo, mà rất ít người ủng hộ cái này.

"Phàm đã bỏ tiền ra thì người ta phải có lợi. Nếu chỉ vì đam mê, sáng tạo của mình mà bảo người ta bỏ tiền ra thì chắc chắn không ai làm.

Vì thế, bây giờ tôi sẽ ưu tiên cho việc kiếm sống hàng ngày, nếu may mắn đến, chẳng hạn có một nguồn tiền tài trợ nào đó hay tôi trúng số..., tôi sẽ khởi động lại việc chế tạo", ông Tâm nói.

Thành Luân

Báo ĐẤT VIỆT

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày