Câu chuyện buồn về ‘luật bán hàng cho Tây’ ở Hà Nội

Bà chủ bán chiếc bánh rán cho người Việt là 2.500 đồng/cái, nhưng với khách Tây thì 5.000 đồng.

Mới đây, Facebook Phương Hảo đăng trên một diễn đàn dành cho những người yêu thích ẩm thực Việt câu chuyện đi mua túi bánh rán cho người bạn nước ngoài. Cô thất vọng về cách “đội giá” của bà chủ bán bánh rán trên khu phố cổ Hà Nội đối với du khách nước ngoài. Theo đó, bánh rán bà chủ bán cho người Việt là 2.500 đồng một cái, còn khách Tây thì 5.000 đồng. Dưới đây là toàn bộ dòng chia sẻ của chị Phương Thảo đang gây chú ý cộng đồng.

“Chiều nay, mình vừa dắt một bạn Tây qua hàng bánh rán mua vài cái ăn thử. Lúc mình hỏi giá bác trai bảo bánh mặn 3.000 đồng/cái, bánh ngọt 2.500 đồng/cái. Bác gái đang mải rán bánh lúc này mới ngước lên nhìn mình rồi bảo: ‘Người Tây này đi với cháu hả?’. Mình bảo: ‘Vâng! Cháu mua hộ bạn ấy đây ạ’. Bác ấy nguýt một cái rồi buông giọng lạnh lùng: ‘Ở đây bán cho Tây là 5.000 đồng/cái, không mua thì đi chỗ khác nhé’.

Câu chuyện buồn về ‘luật bán hàng cho Tây’ ở Hà Nội - 0

Tôi đáp: ‘Ơ sao lại thế hở bác?’ thì nhận được câu trả lời của bác: ‘Tây tiêu tiền đô, nhiều tiền thì phải bán giá đó. Cháu không mua thì thôi đừng có vặn vẹo’. Tôi nói: ‘Vậy bây giờ cháu nói giá với bạn ấy rồi thì sao được ạ? Với cả bạn ấy cũng còn có mỗi 30.000 đồng thôi’. Lập tức, bác ấy nói: ‘Thì cháu dịch lại đi’. Tôi bảo: “Vậy thôi giờ bác bán cho cháu nhé. Không mua cho bạn ý nữa’.

Lúc này bác trai đã gói xong bánh và đưa cho mình. Mình vẫn quay sang hỏi lại bác trai là bao nhiêu tiền ạ? Bác trai lấm lét quay sang nhìn bác gái như kiểu sợ bị ăn chửi. Còn nhìn mình với ánh mắt rất ái ngại. Nhưng vì lúc đầu trót nói giá với mình rồi nên bác bảo: ‘Của cháu 30.000 đồng/10 cái nhé. Hôm nay bác nể cháu lắm mới bán giá này đấy nhé. Lần sau cháu mà mua cho Tây là phải nói 5.000 đồng đó’.

Mặc dù mình mua 6 cái bánh ngọt và 4 cái mặn, mình cũng không muốn bạn mình biết chuyện này và có ấn tượng không tốt về Việt Nam trước giờ bạn ấy ra sân bay rời khỏi Việt Nam, nên bảo bạn ấy trả tiền và đi thẳng luôn. Không biết bao giờ người Việt Nam mình mới bỏ được cái tâm lý bán đắt cho Tây nhỉ? Thử hỏi mình ra nước ngoài mà bị đối xử như vậy mình có ức không?

Mình ghé mua quán này vì nó gần chỗ mình nhất thì tiện mua thôi. Bánh ở đây cũng ngon nhưng chưa tới mức xuất sắc. Và lúc đó mình cũng ức lắm định bỏ đi rồi, nhưng mình không muốn bị bẽ mặt với bạn Tây kia khi bạn ý thắc mắc nên mới mua tiếp thôi. Với cả sau khi rời chỗ này bạn ý sẽ ra sân bay đi Đài Loan nên mình không nỡ lòng nào để lại kỷ niệm không vui với bạn ý trước khi rời Việt Nam”.

Câu chuyện buồn về ‘luật bán hàng cho Tây’ ở Hà Nội - 1

Bài chia sẻ của chị Phương Thảo đang gây chú ý cộng đồng.

Câu chuyện sau khi đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt quan tâm và bình luận. Facebook Minh Trang bức xúc: “Tư duy lối mòn, cứ Tây là nhiều đô nhiều tiền nên bán đắt. Tớ nói thật, nếu cứ buôn bán chặt chém thế này thì người ta chả muốn đến đất nước mình lần thứ hai đâu. Đi nước khác như Indonesia thấy họ rất niềm nở và giá cả niêm yết rõ ràng nhé”. Còn Facebook Lê Kim Dung đặt câu hỏi: “Làm ăn chộp giật thì chỉ tự mình đập vỡ chén cơm của mình thôi. Sao những người này chỉ biết nhìn trước mắt mà không biết nhìn xa nhỉ. Sao không nghĩ cách tạo ấn tượng để thu hút nhiều khách du lịch hơn, sẽ bán được nhiều hàng hơn?”.

Không chỉ riêng gì các du khách nước ngoài bị “chặt chém”, ngay cả những người dân bản địa cũng nhiều lần bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Facebook Hoàng Minh Phương chia sẻ chuyện từng gặp: “Chả nói đâu xa, vợ chồng nhà em dân Hà Nội. Có lần hai vợ chồng đi Hạ Long chơi, sáng sớm kéo hai cái vali ra đợi xe đến đón. Gọi hai bát phở gà và hai trà đá. Ăn xong chủ quán hét 140.000, trà nữa là 150.000. Choáng luôn, nhưng vì lúc đó sáng sớm lại chuẩn bị khởi hành, không muốn bắt đầu chuyến du lịch bằng một vụ cãi nhau về tiền, hai vợ chồng vẫn trả tiền bình thường. Trả xong rồi thì thấy mấy khách khác ra trả toàn 30.000 đồng, lúc đó mới chắc chắn rằng mình bị chém. Có lẽ họ nghĩ mình đẩy vali, không phải người sống ở đây nên chém không thương tiếc. Buồn thay”.

Theo Cherry Trần / ngoisao.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày