Phía dưới dầm cầu thấy xốp và sắt thép.
Ngày 18-12, nguồn tin của PLO cho biết ông Bùi Đức Đại- Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, đã ký "Báo cáo sự cố công trình xây dựng cầu giao thông qua kênh T1 (cầu Hòa Lộc) thuộc dự án hệ thống tách nước, phân lũ, phòng chống ngập úng (giai đoạn 2+3) cho các xã phía Nam Kỳ Anh (Hà Tĩnh)".
Cầu Hòa Lộc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Trước khi có báo cáo, Sở Xây dựng đã cử cán bộ xuống hiện trường cầu Hòa Lộc để kiểm tra cụ thể.
Báo cáo mô tả: “Một số vị trí dưới đáy dầm cầu, tại một số nhịp, xuất hiện lỗ rỗng bê tông, xuyên thấu vào trong lòng dầm (ống tạo rỗng), lộ cốt thép đai và cốt thép chịu lực, đặc biệt là các nhịp số 1,2,3, 8,9,11”.
Việc xuất hiện các lộ rỗng bê tông, lộ ống tạo rỗng, lột cốt thép chịu lực, có nguy cơ cốt thép bị ăn mòn và gây hư hỏng dầm cầu.
Báo cáo cũng nêu đánh giá sơ bộ về nguyên nhân là “do lỗi kỹ thuật trong quá trình thi công đổ bê tông dầm cầu” đồng thời đưa ra biện pháp xử lý: Phương án một là phá dỡ các dầm cầu bị sự cố ảnh hưởng đến chịu lực để thi công lại.
Phương án hai là thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập có năng lực kinh nghiệm để kiểm định đánh giá khả năng chịu lực các kết cấu công trình, đặc biệt là các dầm cầu.
Sở này cho rằng sau khi có sự đồng ý về giải pháp của các cấp có thẩm quyền thì sẽ thuê tư vấn giám sát để giám sát quá trình xử lý, khắc phục sự cố nhằm đảm bảo tính khách quan và chất lượng công trình. Đồng thời với đó là tổ chức kiểm định cầu sau khi khắc phục xong sự cố, tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu công trình (nếu đảm bảo yêu cầu) bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo quy định.
Theo Sở Xây dựng Hà Tĩnh, mọi chi phí liên quan đến khắc phục sự cố (phương án 1, phương án 2), yêu cầu chủ đầu tư (là Ban Quản lý dự án khu vực Khu kinh tế Hà Tĩnh) căn cứ vào nội dung hợp đồng và trách nhiệm để xảy ra sự cố của các đơn vị liên quan, thực hiện đúng quy định. Việc này phải đảm bảo kinh phí không được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, và nguồn kinh phí của dự án.
Ngày 18-12, cơ quan chức năng đang cấm các phương tiện xe ô tô đi qua lại trên cầu Hòa Lộc để đảm bảo án toàn tính mạng cho người và cả chiếc xe; chỉ cho phép xe máy, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông qua cầu.
Báo cáo của Sở GTVT Hà Tĩnh nêu đánh giá về nguyên nhân cầu Hòa Lộc lộ cốt thép chịu lực.
Như đã phản ánh, người dân đi đánh bắt cá dưới gầm cầu phát hiện gầm cầu lộ sắt thép ra ngoài. Họ lấy que chọc vào những nơi bê tông mỏng thì ngạc nhiên thấy xốp bay ra…
Đây là chiếc cầu trong dự án tách nước phân lũ phòng, chống ngập úng cho các xã phía nam thị xã Kỳ Anh.
Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Công ty CP Thương mại và dịch vụ Nga Sơn (công ty con của Tập đoàn Hoành Sơn) làm đơn vị thi công. Công ty CP Tư vấn xây dựng và Chuyển giao công nghệ làm đơn vị tư vấn, giám sát dự án.
Cầu Hòa Lộc dài 144 m gồm 12 nhịp, được bắt đầu triển khai thi công từ năm 2015, với tổng kinh phí 7,3 tỉ đồng. Cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng hai năm nay.
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM
© 2024 | Thời báo ĐỨC