Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp đăng ký xuất khẩu lao động nhưng không thông qua bất kỳ một tổ chức, cơ quan hợp pháp nào để được tư vấn, hỗ trợ mà lại nghe theo lời dụ dỗ của một số cá nhân tự xưng là môi giới giới thiệu việc làm ở nước ngoài để rồi rơi vào hoàn cảnh lao đao khi ra nước ngoài làm việc không đúng với thỏa thuận ban đầu.
Đối tượng Nguyễn Thị Hương (bên trái) và Võ Thành Phải (bên phải)
Vẻ ra viễn cảnh về một công việc tốt ở nước ngoài với lương mỗi tháng gần 30 triệu đồng, có nơi ăn nghỉ tốt, thủ tục đơn giản - đó là lý lẽ của bà Nguyễn Thị Hương, ngụ khóm 6, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long mỗi khi đi đám, tiệc ở nhiều vùng nông thôn.
Lợi dụng các đám, tiệc có nhiều người tham dự, Hương giới thiệu mình từng có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, có mối quan hệ quen biết rộng rãi, đã giới thiệu cho nhiều người có công việc tốt ở nước ngoài. Mọi thủ tục xuất khẩu lao động sẽ được Hương lo hết, nếu cần thiết Hương sẽ cho ứng tiền trước để làm thủ tục và chỉ hoàn lại sau khi có lương ở nước ngoài.
Thậm chí, Hương còn giới thiệu cho nhiều người xem nơi làm việc, nghỉ ngơi và lãnh đạo một số công ty uy tín ở nước ngoài. Đáng nói là tất cả những điều đó chỉ là lời nói một chiều của Hương và tất cả thủ tục, hợp đồng đều là thỏa thuận miệng nhưng đã được nhiều người tin tưởng dù không cần xác minh thông tin rõ ràng, một trong số đó là gia đình của anh Nguyễn Châu Tuấn, ngụ xã Nhị Long, huyện Càng Long.
Trước đó, vợ chồng anh Tuấn đi làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng công việc vất vả, lại có thu nhập không cao nên nhờ đến bà Hương. Bà Hương hứa “lo“ cho anh Tuấn làm ở một siêu thị lớn ở Dubai với lương khởi điểm mỗi tháng là 24 triệu đồng, phí làm thủ tục xuất khẩu lao động là 67 triệu đồng, gồm cả vé máy bay đi và về. Ban đầu, bà Hương hứa cho gia đình anh Tuấn ứng tiền làm thủ tục trước nhưng sau đó thì viện lý do trì hoãn. Vì mong sớm có việc làm, vợ chồng anh Tuấn phải đi vay mượn và nộp đủ số tiền trên cho bà Hương.
Đúng như thỏa thuận, tháng 11-2017, anh Tuấn lên máy bay sang Dubai nhưng không phải làm ở siêu thị mà bị ép làm việc trong động mại dâm. Xem lại giấy tờ thì anh Tuấn mới phát hiện bà Hương chỉ làm thủ tục cho anh đi du lịch Dubai 3 tháng chứ không phải hợp đồng lao động 2 năm như thỏa thuận ban đầu.
May mắn gặp được người Việt ở Dubai, anh Tuấn nhờ giúp đỡ và gọi điện về cho gia đình biết sự việc. Chị Phan Thị Huệ (vợ anh Tuấn) liên hệ với bà Hương nhưng chỉ nhận lại những lời cải vả, đôi co. Bà Hương hứa đưa anh Tuấn về Việt Nam nhưng sau đó thì tắt điện thoại và rời khỏi địa phương. Chị Huệ đã tố cáo sự việc đến cơ quan Công an.
Một trường hợp khác ở huyện Tiểu Cần cũng bị lừa sang Trung Quốc với thủ đoạn tương tự nhưng thực tế là bị ép lấy chồng người bản xứ. Điều đáng nói là nạn nhân trong trường hợp này lại người không được minh mẫn, có tiền sử bị bệnh bại não từ nhỏ nhưng đối tượng môi giới lại tự ý thỏa thuận với nạn nhân mà không thông báo sự việc với gia đình.
Tháng 3-2017, chị Nguyễn Thị Yến (33 tuổi), con gái của ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ khóm 1, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần mất liên lạc với gia đình. Ông Thắng đi tìm con khắp nơi, hễ ai báo tin có gặp chị Yến ở đâu là vợ chồng ông lập tức chạy đi tìm con nhưng đều vô vọng.
Đến tháng 9-2017, ông Thắng nhận được điện thoại của chị Yến cho biết đã bị ông Võ Thành Phải, 43 tuổi, ngụ khóm 2, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần cùng với một số người khác ở Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh đưa sang Trung Quốc và ép lấy chồng người bản xứ.
Ông Thắng đã báo cáo sự việc đến cơ quan Công an và nhờ giúp đỡ để đưa con gái ông về Việt Nam. Qua làm việc, bước đầu ông Phải thừa nhận có thỏa thuận với một người ở Sóc Trăng sẽ tổ chức đưa chị Yến sang Trung Quốc và nhận 55 triệu đồng của người này.
Cũng bị lừa sang Trung Quốc và ép lấy chồng người bản xứ là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mộng Kha (24 tuổi), con gái của bà Võ Thị Đang, ngụ ấp Cả Chương, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè. Bà Đang cho biết gia đình bà nuôi vịt chạy đồng nên ít có thời gian ở nhà, 2 đứa con bà đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh nên ít khi về nhà. Nếu không nhận được điện thoại của Mộng Kha cho biết bị lừa sang Trung Quốc thì bà vẫn nghĩ Mộng Kha đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đơn tố cáo của bà Đang với cơ quan Công an, Mộng Kha quen với một người bạn qua mạng xã hội và nghe nói có thể đưa sang Trung Quốc làm việc với lương cao nên Kha nhận lời. Sau khi đi bằng đường tiểu ngạch ở tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc, Mộng Kha bị nhốt ở Quảng Đông 10 ngày cùng với các đối tượng nghiện ma túy và ép Kha phải lấy chồng; nếu không đồng ý thì bị bọn người này giết chết. Để bảo toàn tính mạng, Kha đồng ý và lợi dụng sơ hở của gia đình chồng bên Trung Quốc, Kha tìm cách gọi điện về cho gia đình cầu cứu.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh, cả 3 trường hợp nêu trên đều có dấu hiệu của tội phạm mua bán người và hiện nay lực lượng Công an đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Thượng tá Trần Văn Bửu, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cảnh báo:
“Các đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người thường lợi dụng sơ hở trong việc môi giới hôn nhân với người nước ngoài hoặc là xuất khẩu lao động để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, để tránh rơi vào “bẫy” của tội phạm mua bán người, các cá nhân có nguyện vọng xuất khẩu lao động hoặc kết hôn với người nước ngoài cần liên hệ với các cơ quan chức năng như Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh hoặc Sở Tư pháp tỉnh để được tư vấn, hướng dẫn”.
Nguồn: Minh Tuyền/ cand.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC