Campuchia sắp khởi công cao tốc đến sát Việt Nam, do Trung Quốc đầu tư

Tuyến đường cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia rộng 25,5m với 4 làn xe, điểm khởi đầu là đường vành đai 3 ở thủ đô Phnom Penh và kết thúc tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam.

1 Campuchia Sap Khoi Cong Cao Toc Den Sat Viet Nam Do Trung Quoc Dau Tu

Bản vẽ phác thảo tuyến đường cao tốc Phnom Penh - Bavet, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026 hoặc đầu năm 2027 - Ảnh: TTXVN

Bộ Giao thông công chính Campuchia đang triển khai các phần việc cuối cùng cho việc khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc mới vào tháng 6-2023.

Tuyến đường sẽ nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng), giáp cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), kết nối với đường cao tốc Mộc Bài - TP.HCM của Việt Nam.

Thông tin trên được Bộ trưởng Giao thông công chính Campuchia Sun Chanthol xác nhận ngày 21-4 tại lễ khánh thành Trung tâm kiểm định phương tiện giao thông Samrong Andeth, ở thủ đô Phnom Penh. 

Theo đó, dự kiến Thủ tướng Hun Sen sẽ chủ trì lễ khởi công công trình đường cao tốc thứ hai này với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,6 tỉ USD, tổng chiều dài toàn tuyến 138km.

Tuyến đường nhằm tăng cường kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh biên giới, nhất là hoạt động xuất khẩu và thương mại ở khu vực biên giới hai nước Campuchia - Việt Nam và các nước trong khu vực. 

Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc Phnom Penh - Bavet rộng 25,5m với 4 làn xe, mỗi chiều có hai làn xe, điểm khởi đầu là đường vành đai 3 ở thủ đô Phnom Penh, đi qua các tỉnh Kandal, Prey Veng, Svay Rieng và kết thúc tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam.

Dự án cao tốc Phnom Penh - Bavet do Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đầu tư, xây dựng. 

CRBC cũng là chủ đầu tư tuyến đường cao tốc đầu tiên dài hơn 190km ở Campuchia, kết nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh duyên hải Preah Sihanouk với tổng kinh phí đầu tư 1,9 tỉ USD dưới hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). 

Tuyến Phnom Penh - Preah Sihanouk đã được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10-2022 với thời gian khai thác trong 50 năm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày