Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu, không thể theo kịp. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể lại mang cái lạc hậu về nhà.
Chiều qua (19-6), các đại biểu đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tổ về Dự án Luật Phòng không nhân dân.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hiện nay.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao.
Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phan Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng trong tổ chức, trang bị phương tiện cho lực lượng dân quân tự vệ và phòng không nhân dân thì nên trang bị thêm các loại phương tiện như tên lửa vác vai bởi hiệu quả rất cao, có thể phục kích, sử dụng trong xung đột khi xảy ra.
Trước đề xuất của đại biểu Hiệp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết nếu đưa vào luật thì cần có thời gian, bởi sản xuất ra tên lửa vác vai là vấn đề khó. “Đây là phương án tốt nhưng để sử dụng được tên lửa vác vai, bắn trúng mục tiêu thì huấn luyện cũng rất khó” – ông nhìn nhận.
Giải thích thêm, Bộ trưởng cho hay thời cơ bắn chỉ trong khoảng 2-3s. Nếu bắn trước là vượt mục tiêu, còn nếu bắn sau không kịp, "mà thời cơ trong 2s ấn cò là một bài toán không dễ". Người sử dụng phải có kiến thức về quân sự, trình độ về huấn luyện thường xuyên.
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu, không thể theo kịp. “Nếu không cẩn thận thì có thể lại mang cái lạc hậu về nhà” – bộ trưởng nói và nêu lý do vì sao dự luật không nêu khái niệm chi tiết bởi "càng chi tiết càng thiếu".
Đại tướng Phan Văn Giang cũng thông tin thêm về lý do có quy định về quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m trong dự luật.
Theo ông, các phương tiện bay dù siêu nhẹ, có động cơ, bay nhanh, bay chậm, trong khoảng cự ly này sẽ hoàn thành được rất nhiều nhiệm vụ. Nếu cao hơn hiệu quả khác ngay, bởi không khí khác, khả năng trúng mục tiêu cũng sẽ khác. "Cho nên chúng tôi xác định tầm như thế. Với tầm như thế cũng phải hàng chục năm nữa mới có thể trang bị đầy đủ. Bởi sản xuất ra, thử nghiệm cũng phải kiểm tra" – Đại tướng Phan Văn Giang nói.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong khi đó, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hiện nay được sử dụng rộng rãi và được coi như phương tiện tác chiến rất hiệu quả, ít tốn kém.
Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, một tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ có giá trên một trăm thậm chí vài chục triệu đồng có thể tiêu diệt được mục tiêu hàng triệu USD nhưng không ảnh hưởng đến người điều khiển, hiệu quả chiến đấu cũng rất cao.
Các loại vũ khí này được sử dụng rất rộng rãi trong các cuộc chiến tranh xung đột giữa Nga – Ukrainer, Israel – Hamas, kể cả sử dụng cả trong trinh sát, quá trình tiến công các mục tiêu rất hiệu quả…
Ở Việt Nam, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng tương đối rộng rãi, đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện này cho mục đích vi phạm pháp luật ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và uy hiếp an toàn hàng không.
Đặc biệt, các lực lượng buôn lậu sử dụng những loại phương tiện này rất nhiều, trên các tuyến biên giới thì sử dụng tàu bay không người lái để trinh sát, phát hiện lực lượng chức năng của ta nhằm phòng tránh, rồi sử dụng vào buôn bán ma túy… hay ở trên thế giới thì sử dụng phương tiện này vào việc khủng bố.
Về quản lý, tàu bay không người lái và máy bay siêu nhẹ, ông Cương cho rằng cần được quản lý chặt chẽ và có quy định cụ thể trong luật. Các loại phương tiện này khi bay phải có đăng ký và phải có giấy phép bay. Bởi nếu không sử dụng đúng mục đích sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn hàng không.
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM
© 2024 | Thời báo ĐỨC