Bộ Ngoại giao phản ứng về việc Trung Quốc xây cáp ngầm nối các thực thể nhân tạo ở Hoàng Sa

Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông.

 

132 1 Bo Ngoai Giao Phan Ung Ve Viec Trung Quoc Xay Cap Ngam Noi Cac Thuc The Nhan Tao O Hoang Sa Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ liên quan đến việc Trung Quốc xây các cáp ngầm nối các thực thể nhân tạo ở Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động liên quan đến 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.

Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông".

132 2 Bo Ngoai Giao Phan Ung Ve Viec Trung Quoc Xay Cap Ngam Noi Cac Thuc The Nhan Tao O Hoang Sa

Trước đó, Trang Benar News ngày 8/6 trích ảnh chụp từ vệ tinh của Hãng Planet Labs (Mỹ) và dữ liệu từ các trang theo dõi tàu thuyền cho thấy tàu Trung Quốc có thể đang lắp đặt cáp ngầm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Phần mềm theo dõi tàu cho thấy tàu Trung Quốc Tian Yi Hai Gong di chuyển đến Hoàng Sa vào ngày 28/5. Còn hình ảnh vệ tinh cho thấy con tàu dường như đang đặt các tuyến cáp ngầm giữa ít nhất 3 đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa là Đảo Cây, Đảo Bắc và Đảo Phú Lâm.

Hiện vẫn chưa rõ mục đích cụ thể đằng sau động thái này của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có khả năng Trung Quốc đặt các tuyến cáp ngầm để phục vụ mục đích quân sự và tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc ngày 3/6 Mỹ có công hàm gửi lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông nêu tại công hàm CML/14/2019 nhưng không có bình luận về yêu cầu của Malaysia về thềm lục địa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là phương thức thường làm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần.

Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.

Cộng đồng quốc tế cũng như Liên hợp quốc coi trọng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có quan điểm đề cao thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982".

Nguồn: baoquocte.vn

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày