Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an làm rõ vụ cấp bằng giả của Trường ĐH Đông Đô

Bộ GD-ĐT cho biết phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để làm rõ vụ cấp bằng giả của Trường ĐH Đông Đô. Bộ này cũng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

Liên quan đến việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô để điều tra về hành vi "Giả mạo trong công tác", Bộ GD-ĐT ngày 26-11 cho hay cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của cơ quan điều tra Bộ Công an về vụ án cấp bằng giả của Trường ĐH Đông Đô.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết thêm các đơn vị chức năng của Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất vụ việc. Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

 

132 1 Bo Gd Dt Phoi Hop Chat Che Voi Bo Cong An Lam Ro Vu Cap Bang Gia Cua Truong Dh Dong Do

Trường ĐH Đông Đô, nơi cấp hàng trăm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh giả từ năm 2015-2017 - Ảnh: Nguyễn Hưởng

"Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đúng thẩm quyền những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô; đồng thời sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan có sai sót, vi phạm" - Bộ GD-ĐT cho hay.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ của trường.

Theo kết luận điều tra, các bị can bị đề nghị truy tố là: Dương Văn Hòa (nguyên hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (nguyên phó hiệu trưởng kiêm phó viện trưởng Viện Đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (nguyên phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) và 6 người khác. Những người này liên quan đến việc cấp hàng trăm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh giả cho các đối tượng làm luận án tiến sĩ, xét tuyển nghiên cứu sinh…

Kết luận điều tra cũng cho hay dù Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Cụ thể, Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Năm 2016 và 2017, Trường ĐH Đông Đô tiếp tục có công văn gửi bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy mỗi năm. Bộ GD-ĐT đã có thông báo gửi Trường ĐH Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, 2017. Bên cạnh đó, Vụ Giáo dục ĐH cũng cho đăng đề án tuyển sinh năm 2017 của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2. Năm 2018, Trường ĐH Đông Đô tiếp tục gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục ĐH và được đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, nội dung đề án có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.

Theo cơ quan điều tra, các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục ĐH thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2, trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai. Những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý.

Yến Anh

Nguồn: nld.com.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày