Bộ Công Thương nói gì về thủy điện 'cóc'?

Theo Bộ công thương, từ những năm 2012-2019, bộ này đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét, loại bỏ khỏi quy hoạch tám dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

132 1 Bo Cong Thuong Noi Gi Ve Thuy Dien Coc

Dòng sông Rào Trăng là nơi có bốn thủy điện Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Trong ảnh: Thủy điện Alin B2. Ảnh: NGUYỄN DO

Trên các số báo ra ngày 26 và 27-10, Pháp Luật TP.HCM có loạt bài viết đặt câu hỏi về tình trạng phá rừng, phát triển thủy điện “cóc” tràn lan có phải là một phần nguyên nhân gây ra trận lũ lụt lịch sử và sạt lở núi vừa qua.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Không làm thủy điện công suất dưới 3 MW

. Phóng viên: Thưa ông, hiện ở miền Trung có rất nhiều dạng thủy điện “cóc” với công suất nhỏ, Bộ Công Thương có thống kê hoặc chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra về quá trình hoạt động, vận hành các dạng thủy điện này không?

132 2 Bo Cong Thuong Noi Gi Ve Thuy Dien Coc

+ Ông Đỗ Đức Quân: Hiện nay, các nhà máy thủy điện có công suất dưới 3 MW trở xuống Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh không làm, không đưa vào quy hoạch. Những dự án thủy điện quy mô công suất rất nhỏ từ vài trăm kW đến dưới 1 MW xây dựng từ những năm 1980 cũng đã dừng hoạt động.

. Ông có nhận xét gì về việc một số ý kiến cho rằng việc phát triển, xây dựng các nhà máy thủy điện đang diễn ra ồ ạt?

+ Không, hiện nay không phát triển thủy điện ồ ạt. Từ năm 2013 đến nay, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 62 về phát triển thủy điện thì các tỉnh đều xem xét rất kỹ việc cấp phép cho các dự án thủy điện.

. Có phải việc phát triển thủy điện quá nhiều đã làm mất rừng, thưa ông?

+ Trong quá trình thẩm định quy hoạch các dự án thủy điện do UBND tỉnh đề xuất, diện tích chiếm đất, đặc biệt là đất lúa và đất rừng được kiểm tra rất chặt chẽ. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ, bình quân chỉ chiếm dưới 1,9 ha đất các loại, kể cả đất sông, suối cho 1 MW công suất (trước đây là 5-7 ha). Trong đó, diện tích chiếm đất rừng trồng, rừng sản xuất khoảng 4,35%; diện tích chiếm đất lúa khoảng 3,64%; diện tích đất sông, suối khoảng 30,73%; còn lại đất khác các loại chiếm 61,28%.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên. Đối với các dự án có ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ đều phải được HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang dạng đất khác thì mới thẩm định và xem xét quy hoạch.

132 3 Bo Cong Thuong Noi Gi Ve Thuy Dien Coc

Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: TẤN LỘC

Ngập lụt ở miền Trung không chỉ từ thủy điện?

. Nhiều ý kiến cho rằng đợt ngập lụt diện rộng ở miền Trung vừa qua có nguyên nhân từ thủy điện. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này?

+ Nguyên nhân chính của đợt ngập lụt, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản vừa qua đã được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học khẳng định là do mưa quá lớn vượt lịch sử, thời gian kéo dài liên tục nhiều ngày và trên một vùng rộng lớn gồm nhiều tỉnh, thành miền Trung.

Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du. Đặc biệt, một số hồ thủy điện lớn đã cắt, giảm lũ cho hạ du với tổng lưu lượng xả qua công trình/lưu lượng đỉnh lũ về hồ như: Quảng Trị là 1.130/1.426 m3/giây; Hương Điền là 2.500/4.552 m3/giây; Bình Điền là 1.873/3.248 m3/giây; Sông Bung 4 là 1.379/2.406 m3/giây; Đăk Mi 4 là 796/3.149,5 m3/giây; Sông Tranh 2 là 1.501/1.884,8 m3/giây.

. Xin ông cho biết sắp tới Bộ có kế hoạch gì liên quan đến thủy điện không?

+ Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể về việc phát triển thủy điện trên địa bàn trong thời gian vừa qua. Trong đó, đặc biệt cần phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi thời tiết khí hậu cực đoan. Trên cơ sở đó, các tỉnh cân nhắc việc phát triển trên địa bàn.

Cạnh đó, cục tiếp tục chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban bí thư, nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện một cách đồng bộ, quyết liệt. Tập trung thực hiện đầy đủ, đạt chất lượng các nội dung chỉ đạo nêu trên, đặc biệt là kiên quyết đề xuất loại khỏi quy hoạch, không cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án thủy điện có ảnh hưởng đến an toàn môi trường và cuộc sống của người dân.

Nhiều thủy điện xả lũ không đúng quy trình

132 4 Bo Cong Thuong Noi Gi Ve Thuy Dien Coc

Cách đây nhiều năm, nước mình thiếu điện nên đành chấp nhận xây nhiều thủy điện. Giờ biết bao nhiêu nhà đầu tư tư nhân làm thủy điện, họ phá rừng, bán gỗ bù vào vốn, sau này bán điện có nguồn thu lâu dài.

Về lý thuyết, triết lý làm thủy điện một phần là giữ nước để mùa khô điều tiết nước về hạ du. Nhưng thực tế không như vậy. Mấy anh thủy điện không làm đúng quy trình đó. Đáng lẽ trước khi mưa thì anh phải lo xả nước thủy điện đi. Đến khi mưa lớn có thể giữ lại nhiều nước trong hồ, như vậy mới là điều tiết lũ. Nhưng khi mưa ít thủy điện không dám xả lũ vì sợ không có nước để phát điện. Quy trình điều tiết xả lũ các anh không làm, thủy điện khư khư giữ nước, đến khi thừa mới xả.

Mới đây, có hai tập đoàn ở Mỹ xin xây dựng nhà máy điện 4.000 MW/dự án ở Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) và TP Hải Phòng. Cả hai dự án đều dùng khí hóa lỏng. Trước mắt họ nhập khí hóa lỏng từ nước ngoài, sau này sẽ dùng chính khí hóa lỏng ở Việt Nam để phát điện.

Một trong hai tập đoàn này từng đề nghị tôi trong việc nghiên cứu, xây dựng nhà máy Đà Nẵng, lấy khoảng 50 ha mặt nước biển để làm cảng xuất nhập khí hóa lỏng. Nhưng ở Đà Nẵng không có mặt biển phù hợp để làm nên họ ra xin làm ở Chân Mây. Tôi ủng hộ hai dự án này vì công suất khoảng 8.000 MW, bằng cả ngàn thủy điện nhỏ hiện nay, lại không phải phá rừng.

KTS HỒ DUY DIỆM, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển VN, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường VN

Nguồn: plo.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày