Biển Đông : Trung Quốc quấy nhiễu, Mỹ rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ?

Hôm 10/09/2019 tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc vẫn đang hoạt động tại bãi Tư Chính của Việt Nam, sau khi quay về từ Đá Chữ Thập cách đây hai ngày. Trong khi đó rộ lên thông tin tập đoàn ExxonMobil của Mỹ rút lui khỏi mỏ khí đốt Cá Voi Xanh (Blue Whale) nằm gần Quảng Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 55 hải lý.

132 1 Bien Dong  Trung Quoc Quay Nhieu My Rut Khoi Du An Ca Voi Xanh

Một cơ sở của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil tại Texas. REUTERS

Nhà báo Huy Đức hôm 09/09/2019 viết trên Facebook : « ExxonMobil (US) bỏ cuộc ! Trước sức ép của Tập các siêu cường đều bỏ mặc : UK (BP 2007), Nga (2016), Tây Ban Nha (2018)…Xoay trục về đâu ? »

Một nguồn tin khác nói rằng ExxonMobil hôm 28/8 đã thông báo cho phía Việt Nam ý định bán lại toàn bộ cổ phần ở mỏ Cá Voi Xanh.

Trung Quốc « giết gà » Repsol để « dọa khỉ » Exxon ?

Được biết dự án này có tổng vốn đầu tư 4,6 tỉ đô la kéo dài khoảng 25 năm, trong đó ExxonMobil sở hữu 64% cổ phần, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đưa dòng khí đầu tiên vào bờ. Mỏ khí Cá Voi Xanh có trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỉ mét khối, gấp ba lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ thuộc dự án khí Nam Côn Sơn lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Trước đây trong phiên đối thoại ở APEC ngày 10/11/2017, ông Liam Mallon, chủ tịch tập đoàn ExxonMobil từng khẳng định sẽ khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh vào năm 2019.

Tin trên thực hư ra sao ? Chính quyền Việt Nam chưa hề lên tiếng, cũng như những thông tin về bãi Tư Chính cho đến nay hầu như chỉ được đưa ra từ các chuyên gia nước ngoài chuyên theo dõi về Biển Đông.

Trên Twitter, chuyên gia Greg Poling, giám đốc AMTI thuộc Viện CSIS (Mỹ) nhận xét : « Nếu là sự thật, thì đó là một đòn rất nặng cho Việt Nam và cho tự do hàng hải trên Biển Đông. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo cho các nhà quan sát về Trung Quốc thấy việc 'giết gà để dọa khỉ', trong đó Rosneft là gà, Exxon là khỉ ».

Nhà nghiên cứu Bill Hayton cho rằng : « Exxon từ lâu đã tranh cãi với Việt Nam về giá khí đốt, có thể là lý do thương mại thay vì địa chính trị. Nhưng hãy chờ xem tin tức thế nào… »

Một tài khoản Twitter cho biết một sự trùng hợp là ExxonMobil đã bán tài sản ở Na Uy, đặt câu hỏi liệu đây có phải là một sự thu hẹp hoạt động ? Một số ý kiến khác cho rằng dự án ExxonMobil vẫn tiến triển như bình thường.

Giả thiết Bắc Kinh gây áp lực để Hà Nội ngưng dự án Cá Voi Xanh

Trước đó tác giả Tim Daiss, nhà phân tích về địa chính trị và thị trường dầu khí, trên trang creativedestructionmedia.com ngày 27/8 khi nêu ra sự kiện Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đã nhận định, căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh diễn ra một năm rưỡi sau vụ công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án khí đốt trị giá 200 triệu đô la tại vùng biển Việt Nam, sau khi đối tác Việt Nam bị Trung Quốc gây sức ép, dọa sẽ sử dụng vũ lực. Repsol cũng phải rút khỏi một dự án khoan dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam năm 2017. Tương tự đối với một dự án khí đốt của Nga.

Ngày 5/9, tác giả Tim Daiss lại tiếp tục đặt câu hỏi « Liệu Bắc Kinh sẽ đẩy ExxonMobil ra khỏi Biển Đông ? ». Bài viết dẫn nhận xét của giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales (Úc), cho biết, Trung Quốc đã có thỏa thuận với Việt Nam để duy trì nguyên trạng tại khu vực bãi Tư Chính. Khi Việt Nam lại bắt đầu thăm dò tại đây, Trung Quốc đã gây áp lực hết sức lớn thậm chí dọa dùng vũ lực khiến Hà Nội phải nhượng bộ.

Tuy nhiên theo giáo sư Thayer, lô của ExxonMobil dù nằm gần đường lưỡi bò tự vẽ của Trung Quốc nhưng không chạm đến đường ranh này. Nguồn tin Việt Nam cho ông biết đôi bên đã có thỏa thuận không chính thức là sẽ không can dự vào hoạt động của phía bên kia. Như vậy rủi ro được giảm thiểu đối với ExxonMobil.

Giáo sư Thayer nhận xét, gây áp lực lên công ty Repsol là chuyện nhỏ đối với Bắc Kinh, nhưng nếu đụng đến một công ty Mỹ thì sẽ gặp rắc rối lớn. « Có lẽ Trung Quốc gây áp lực lên Việt Nam để Hà Nội đòi ngưng dự án Cá Voi Xanh, như thế sẽ tạo ra hố ngăn cách giữa Hà Nội và Washington. Bắc Kinh chơi trò trường kỳ trên Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ lo tập trung vào Bắc Triều Tiên và thâm hụt thương mại với Trung Quốc ».

Chuyên gia Tim Daiss cho biết, ông đã trao đổi với hai nhà chuyên môn trong ngành năng lượng của Việt Nam, họ tin rằng Trung Quốc muốn gây phức tạp cho dự án của ExxonMobil.

Việt Nam sẽ tiếp tục là nạn nhân của Trung Quốc

Tác giả Panos Mourdoukoutas trên trang Forbes nhấn mạnh « Biển Đông : Trung Quốc lại nhắm vào Việt Nam một lần nữa ». 

Theo ông, Bắc Kinh đang thèm khát nguồn năng lượng, do bị Mỹ cắt đi nguồn cung ứng từ Trung Đông.

Trung Quốc làm bất kỳ việc gì có thể để xác quyết chủ quyền Biển Đông như xây đảo nhân tạo, cho tàu chiến lượn qua các vùng biển để thị uy.Tất nhiên là thủ đoạn bành trướng của Bắc Kinh khiến các nước láng giềng tức giận, nhưng họ phản ứng khác nhau. Philippines chọn cách nhẫn nhục mặc dù đã chiến thắng tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016. Ngược lại, Malaysia và Việt Nam đối đầu với Bắc Kinh.

Hải quân Malaysia tiến hành tập trận, phô trương các hỏa tiễn. Nhưng Việt Nam còn đi xa hơn, tuyên bố mọi hoạt động bành trướng của Trung Quốc là bất hợp pháp, cho cảnh sát biển ra đối phó. Khác với vụ Repsol, trong vụ Hải Dương Địa Chất 8 mới đây, các tàu Việt Nam luôn theo sát hoạt động của chiếc tàu khảo sát này tại bãi Tư Chính.

Theo ông Mourdoukoutas, có vẻ sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam mang lại kết quả hơn là thái độ của Philippines. Nhưng gần đây Việt Nam một lần nữa lại trở thành mục tiêu, khi Hải Dương Địa Chất liên tục ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và có lúc lại xuất hiện chiếc tàu cẩu khổng lồ Lam Kình ở ngay trong lãnh hải.

Tác giả kết luận, trong khi vẫn còn chưa rõ lần này Việt Nam có thành công khi tiếp tục tỏ thái độ cương quyết trước Bắc Kinh hay không. Nhưng có một điều rất rõ là : quốc gia này sẽ còn tiếp tục là nạn nhân của Trung Quốc, vì Bắc Kinh luôn cố gắng dấn tới trên Biển Đông.

Khoảng trống truyền thông

Trên mạng đã xuất hiện những lời kêu gọi khởi kiện Trung Quốc gây hấn, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, trong đó kiến nghị của giới trí thức đã có 17 tổ chức và trên 850 cá nhân ký tên. Về việc kiện Trung Quốc, đa số ý kiến của chuyên gia đều ủng hộ. Riêng giáo sư Thayer gần đây có đôi chút phân vân : đi kiện, Trung Quốc sẽ o ép Việt Nam bằng nhiều cách, liệu Việt Nam đã có chuẩn bị để đối phó ?

Giáo sư Carl Thayer trong những bài viết trước đây đều đề nghị Việt Nam thông tin cụ thể và kịp thời các vụ xâm phạm, bức hiếp của Trung Quốc, đặc biệt là cho báo chí ngoại quốc. Nhưng cho đến nay, do thông tin bị bịt kín, công chúng chỉ có thể biết được nhỏ giọt tình hình qua truyền thông nước ngoài. Một trong các lý do có lẽ là chính quyền Việt Nam lo sợ biểu tình dẫn đến bạo động như trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 năm 2014.

Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến lần thứ ba. Dư luận bắt đầu mất kiên nhẫn.

Hiện nay Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước. Tuy nhiên trong vụ Hải Dương Địa Chất 8 chỉ có Anh, Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ là lên tiếng phản đối, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc. Hoa Kỳ chưa phải là đối tác chiến lược, nhưng đã ba lần chỉ trích Bắc Kinh một cách mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng Việt Nam nên xem lại chính sách « ba không » hiện nay, khi thấy rõ lúc hoạn nạn chỉ có kẻ thù xưa bênh vực.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Hà Nội có dám mạnh dạn « xoay trục », khi Hoa Kỳ năm 1974 đã làm ngơ trước việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông Obama để yên cho Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012 ?

Có thể chúng ta sẽ có được câu trả lời trong chuyến công du Hoa Kỳ của tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được cho là trong tháng 10 sắp tới.

Nguồn: Thụy My/ RFI


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày