Sự việc đau lòng trên xảy đến với gia đình anh T.G. (36 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cách đây khoảng 1 tuần.
Thuê xe cấp cứu cạn tiền, phải bỏ xác con vào thùng xốp
Kể với phóng viên Dân trí, anh G. cho biết, vợ chồng mình lấy nhau 7-8 năm trời mới có con. Tuy nhiên khi thai mới 23 tuần tuổi, em bé đã chào đời tại bệnh viện ở Cà Mau, sức khỏe rất yếu vì sinh non.
Ngày 5/8, người đàn ông được một bác sĩ thông báo tình trạng xấu của con trai, khuyên gia đình nên đưa bé lên TPHCM cấp cứu, điều trị mới có cơ hội sống. Nghe anh G. nói không biết thuê xe cấp cứu thế nào, bác sĩ trên cho anh số điện thoại của một phụ nữ tên H. để trao đổi việc hợp đồng xe.
Hợp đồng thuê xe cấp cứu giá 16 triệu đồng mà anh G. ký vào (Ảnh: THK).
"Tôi gọi cho chị trên thì được báo giá 16 triệu đồng phí vận chuyển một chiều. Họ nói xe cấp cứu từ TPHCM chạy xuống, có bác sĩ, điều dưỡng và máy thở. Họ yêu cầu tôi phải ứng trước 8 triệu đồng, xe đến Cà Mau phải đưa phần còn lại.
Lúc đó tôi rất rối, chỉ muốn cứu con, lại không biết gì về giá cả, nên nghe sao làm theo vậy", anh G. kể.
Đồng lương công nhân lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, anh G. không đủ số tiền trên, nên phải vay mượn bà con, bạn bè gấp để đóng cho nhà xe. Tối 5/8, cha con anh G. được xe cấp cứu chở đến Bệnh viện Nhi đồng 1 rồi rời đi.
Sau khi nhập khoa Cấp cứu, đến ngày 6/8 bé được chuyển sang khoa Hồi sức sơ sinh để chăm sóc tích cực. Tuy nhiên vì tình trạng quá nặng, 2 ngày sau bé không qua khỏi.
Người đàn ông chia sẻ, thời điểm đóng xong viện phí và đưa con trai xuống nhà đại thể bệnh viện làm thủ tục mang về lo hậu sự, anh đã cạn tiền mua quan tài cho con. Thậm chí, anh G. còn không đủ chi phí để thuê xe về lại Cà Mau. Đường cùng, người cha phải mang xác con bỏ vào một thùng xốp.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
"Làm tất cả để con sống, nhưng lại bị lợi dụng"
Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của anh G., người phụ trách nhà đại thể đã liên hệ với phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1 để liên hệ nhà hảo tâm hỗ trợ quan tài và một chuyến xe từ thiện để cha con họ có thể về quê.
Đồng thời qua chia sẻ của đại diện bệnh viện, anh mới biết số tiền phải trả cho xe cấp cứu của mình là rất đắt so với giá thuê thông thường.
"Khi tìm hiểu, hỏi nhiều người nhà bệnh nhân khác, tôi mới biết giá dịch vụ xe cấp cứu từ TPHCM chưa đến 10 triệu đồng, có bác sĩ Nhi đồng 1 theo về đến tận nơi và đầy đủ thiết bị. Lúc đó, tôi mới biết mình bị chặt chém.
Tôi thấy khó chịu, buồn lắm. Mình làm tất cả để con sống, nhưng lại bị người ta lợi dụng…", người đàn ông tâm sự.
Anh G. nói đây là một bài học lớn cho bản thân, đồng thời khuyên mọi người nếu không may có chuyện phải gọi xe cấp cứu, cần tìm hiểu kỹ để tránh lâm vào tình cảnh như mình.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 xác nhận với phóng viên Dân trí, có sự việc nêu trên xảy ra. Ông cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận tình trạng gia đình bệnh nhi bị hét giá thuê xe cấp cứu.
"Bệnh nhân sẽ có tâm lý tin tưởng nhân viên y tế, nên việc bác sĩ tự giới thiệu số điện thoại bên ngoài để bệnh nhân hợp đồng xe cấp cứu giá cao là rất bậy", bác sĩ Khanh nhận định và cho biết, giá thuê xe cấp cứu chở người bệnh nặng từ tỉnh đến TPHCM thông thường khoảng 6-7 triệu đồng.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, người dân nếu phải gọi xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu cần cố gắng bình tĩnh, hỏi nhiều nguồn để không bị chặt chém. Nếu khó khăn, có thể liên hệ với các hội từ thiện chính danh hoặc phòng Công tác xã hội của bệnh viện để được hỗ trợ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC