Chiều 27-10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng.
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, bão số 9 rất nguy hiểm, mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Bão số 9 mạnh ngang cơn bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, mạnh hơn nhiều so với bão Damrey vào Khánh Hòa năm 2017.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng trưa 27-10. Ảnh: TẤN VIỆT
Sơ tán 448.067 người
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho hay bão số 9 đổ bộ đất liền từ Quảng Nam – Bình Định sáng sớm ngày 28-10.
Hiện, 142 tàu/1.118 lao động của Bình Định còn trong vùng nguy hiểm. Tất cả tàu này đã nhận được thông tin và di chuyển về phía Nam biển Đông. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người, thời gian hoàn thành vào 17 giờ - 19 giờ chiều 27-10.
Lãnh đạo hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã báo cáo nhanh công tác ứng phó bão số 9 trên địa bàn.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, địa phương đã tập trung xử lý ngay các khu vực miền núi trước đây bị chia cắt do hư hỏng cầu treo.
“Mực nước tất cả các trạm thủy văn dưới báo động 1, riêng trạmg Ái Nghĩa đang trên báo động 1. Các hồ chứa đang hạ mực nước, vận hành dưới mực nước đón lũ. Dự báo lượng mưa 300-400 mm thì các hồ đảm bảo vận hành an toàn” – ông Thanh cho hay.
Tàu bè của ngư dân vào Âu thuyền Thọ Quang tránh bão số 9. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bão số 9 là cơn bão rất đặc biệt.
Bão số 9 quét qua miền Trung của Philippines với chỉ chín người phải di dời. Vì ở đó không có gì, chỉ là một hòn đảo nhỏ. Do đó, bão không bị ma sát ở ngay chính Philippines.
Hướng tuyến đổ vào biển Đông ở ngay vĩ độ trung đoạn giữa Hoàng Sa và Trường Sa, tức là không có vật cản, do đó bão đi cực nhanh.
Ngoài ra, bão số 9 vào biển Đông khi không có không khí lạnh và không khí khô, nên không triệt tiêu được cơn bão này.
“Bão số 9 không phải triệt tiêu gió ngay khi tiếp cận đất liền mà còn càn quét toàn bộ đất liền và ngoi lên Tây Nguyên. Hoàn lưu mưa rộng cả sườn Bắc Trung Bộ. Kỳ này bão oanh tạc vào Nam Trung Bộ là vùng ít chịu tổn thương của bão, kinh nghiệm ứng phó ít” – ông Cường cho hay.
Mưa lũ sau bão sẽ rất lớn
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương không được chủ quan. Phía biển tiếp tục rà soát toàn bộ tàu thuyền. Tàu vào đậu rồi phải có biện pháp giằng níu, sắp xếp, không thì chìm ngay ở cảng.
Theo ông Cường, các vùng trũng ven biển cần lên kế hoạch sơ tán dân tối đa. “Hệ thống hồ chứa, nguy nhất là những hồ nhỏ, rất căng. Cũng phải chú ý toàn tuyến Tây Nguyên” – ông Cường nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của các địa phương.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo ông Dũng, không những bão mạnh mà mưa lũ sau bão cũng rất lớn. “Không thể chủ quan mà phải hết sức chủ động, mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước” – Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng yêu cầu sơ tán tất cả người dân ra khỏi các cơ sở sản xuất dịch vụ ven biển. Đặc biệt, ở các đảo Cù Lam Chàm, Lý Sơn gió rất lớn, giật cấp 17, không được để người dân nào ở lại các lồng bè, chòi canh.
Ông Dũng cho hay cần thiết bảo vệ các công trình hạ tầng, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện. Đường dây 500 kV qua Nam Trung Bộ, khi mưa nhiều, sạt lở đất rất nguy hiểm.
“Đề nghị tập trung bảo vệ công trình giao thông, tài sản của người dân. Phải cấm người dân đi lại khi gió bão. Đề nghị bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở miền núi. Khi bão vào thì người thiệt mạng thường ít hơn hậu cơn bão” – Phó thủ tướng lưu ý.
Quân khu 5 huy động 66.121 lượt người ứng phó bão số 9 Ngày 27-10, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đặt tại Đà Nẵng. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban. Theo Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 5 đã huy động 66.121 lượt người/1.716 phương tiện các loại sẵn sàng tham gia ứng phó bão số 9, trong đó có bảy trực thăng. Khi cần thiết, có thể huy động thêm sự hỗ trợ từ Quân khu 7 và Quân đoàn 3. Ngoài ra còn có Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng… tham gia. |
Tấn Việt
Nguồn: plo.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC