Ai bảo kê cho Ba Vàng ngang nhiên “hành nghề mê tín dị đoan”?

Không chỉ chuyện thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ lừa bịp cưỡng đoạt hàng chục tỉ đồng của người cả tin, Trúc Minh còn dàn dựng nhiều trò bỉ ổi khác để mê hoặc người dân. Chuyện chùa Ba Vàng “cứu sống” chàng trai “mặt ngựa” là điển hình của trò lừa bịp này.

1 Ai Bao Ke Cho Ba Vang Ngang Nhien Hanh Nghe Me Tin Di DoanTrụ trì chùa Ba Vàng - sư Thích Trúc Thái Minh giảng Pháp thoại có tựa đề “Chuyện quá khứ và những lời nguyện”.

Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Theo đó, mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh.v.v…không có cơ sở khoa học.

Với đồng chí Thích Ba Vàng, nhiều năm qua mượn áo thầy tu, mượn danh Phật Giáo rao giảng, gieo rắc niềm tin sai trái trục lợi tiền cúng dường. Khái niệm nhân quả, nghiệp báo mang tính quy luật của Phật học đã bị Ba Vàng diễn giải xuyên tạc thành chuyện ma quỷ.

Đức Phật là biểu trưng cho lòng từ bi, giác ngộ bị biến thành loại thần linh chuyên nhận tiền cúng dường ban bố quyền năng sống chết, phúc họa cho con người. Sự lừa bịp của Thích Thái Trúc Minh là cố ý và mang tính hệ thống

Từ năm 2013 đến nay, website Chùa Ba Vàng đăng ba bài viết với nhiều hình ảnh và clip kèm theo về đề tài này. Đó là “Chùa Ba Vàng: Nơi “cứu sống” chàng trai “mặt ngựa” và cũng là nơi “chứng kiến” anh xây dựng hạnh phúc lứa đôi”,  “Cậu bé "khối u mặt ngựa" ngày nào, nay đã có được hạnh phúc nhờ ánh sáng Phật Pháp”, “Khởi duyên từ câu chuyện cậu bé “mặt ngựa” - chàng trai xa xứ tìm được ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp”. Theo các bài này thì “Chàng trai “mặt ngựa” Lê Trung Tuấn thoát khỏi ranh giới sinh tử nhờ tu tập tại chùa Ba Vàng”

Nguyên em Lê Trung Tuấn sinh năm 1998, ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) Năm 11 tuổi, em mắc một căn bệnh hiếm, có khối u mọc trên khuôn mặt. Khối u mỗi ngày lớn, choán hết hộp sọ của Tuấn, đẩy hai mắt của Tuấn ra xa. Mặt Tuấn biến dạng, một tai bị điếc, một mắt bị mờ, khứu giác bị ảnh hưởng. Người ta gọi Tuấn là cậu bé “không khuôn mặt” hay “cậu bé mặt ngựa”. Gia đình đã đưa em đi khám khắp nơi nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì đây là căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp, khả năng tử vong cao và ngoài khả năng phẫu thuật tại Việt Nam.

Bài viết trên trang Chùa Ba Vàng nhấn mạnh là: “bác sĩ McKay McKinnon - người được mệnh danh là “có bàn tay vàng”, chuyên gia ung bướu hàng đầu thế giới cũng phải bó tay và không thể tiến hành ca phẫu thuật”

Một huyền thoại được dựng lên, Tuấn cùng bố đến Ba Vàng. Sư Phụ cùng chư Tăng làm lễ khai thị và biết nguyên nhân trong tiền kiếp khiến kiếp này Tuấn phải chịu quả báo đau khổ. Trong đêm đó, Sư Phụ được Đức Quan Âm Bồ Tát báo mộng sẽ cứu sống được Tuấn.

Tuấn và gia đình tích cực tu tập, tụng kinh, bái sám, tác phước hồi hướng, nhất tâm niệm Phật, làm các việc phúc thiện, nghe Pháp,...Gia đình Tuấn được Cô Phạm Thị Yến cùng tất cả các Phật tử của các đạo tràng trợ duyên tu tập và tài chính trong bốn tháng liên tục. Sau hơn bốn tháng, vào ngày 23/7/2013, một sự thay đổi rất nhiệm màu trong khối u của Tuấn: từ một khối u to bằng quả bưởi mà đã nhỏ lại đáng kể, liên tục chảy mủ máu thì nay không còn,...

Sau khi tái khám và nhận thấy khối u có sự chuyển biến rõ rệt, bác sĩ McKay McKinnon - người từng bó tay với căn bệnh của Tuấn đã đồng ý tiến hành phẫu thuật miễn phí cho Tuấn. Vậy là nhờ tu tập Phật Pháp mà phúc lành tăng trưởng nên bệnh căn thuyên giảm, nghiệp bệnh chuyển hóa, khối u đã đỡ hơn, tinh thần vững vàng, sức khỏe bảo đảm để chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật do bác sĩ nước ngoài trực tiếp tiến hành. (1)

Huyền thoại của chùa Ba Vàng có hai chi tiết dối trá quan trọng là lúc đầu khối u của Tuấn lớn, bác sĩ McKay McKinnon không dám mổ, nhờ Ba Vàng cúng bái giải nghiệp khối u nhỏ lại bác sĩ mới dám mổ và mỗ thành công. Người ta đâm thắc mắc đã thiêng đến mức ấy sao Ba Vàng không cúng cho khỏi hẳn cần chi đến y học, bác sĩ can thiệp. Thực tế huyền thoại này ra sao?

Theo báo Dân Trí, phát hiện hoàn cảnh thương tâm của em Tuấn, báo đăng tải thông tin, rất nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm và đội ngũ các y bác sĩ trong và ngoài nước tìm mọi cách để cứu chữa. Cuối cùng, giữa tháng 7/2013, Tuấn đã được Chuyên gia u bướu người Mỹ McKay McKinnon và GS TS Nguyễn Thanh Liêm mổ bóc tách thành công khối u. Ca mổ được tài trợ 100% bởi bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cùng các tổ chức, tập đoàn, cá nhân.

“Không những bóc tách thành công khối u trên mặt, Chuyên gia u bướu người Mỹ McKay McKinnon đã tiếp tục sang Việt Nam thêm ba lần nữa để phẫu thuật, tái tạo lại khuôn mặt cho cậu bé đáng thương này.” (2)

Như vậy hoàn toàn toàn không có chuyện bác sĩ McKay McKinnon lần đầu từ chối không mỗ, đến khi khối u nhỏ lại mới dám mổ. Ngược lại, trang web của bệnh viện Vinmec còn nhấn mạnh rằng càng về sau khối u càng lớn hơn và nguy hiểm hơn. “Sau bốn năm, khối u ác tính đã phá hủy một phần xương sọ, xoang trán, ăn sâu vào nền sọ, chèn ép vào thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến tuyến yên dọa nghiêm trọng đến tính mạng.”

“9h30 ngày 23/7/2013, bác sỹ McKay McKinnon và ekip mổ tại Vinmec bao gồm GS TS Nguyễn Thanh Liêm và các đồng nghiệp đã tiến hành ca phẫu thuật đặc biệt này. Đúng như tiên lượng của GS Liêm, do khối u quá lớn và thời gian mổ kéo dài tới chín tiếng nên bệnh nhân mất rất nhiều máu. Vinmec đã phải truyền liên tục bảy lít máu gồm năm lít hồng cầu và hai lít huyết tương tươi cho Tuấn trong suốt ca phẫu thuật”. (3)

Chùa Ba Vàng đã đánh tráo, cướp công của các nhà khoa học, tấm lòng hảo tâm của cộng đồng biến thành câu chuyện mê tín đánh lừa công chúng. Phật là đấng trí tuệ chứ không phải vị thần linh có quyền năng trị bệnh. Quan Thế Âm là vị bồ tát biểu trưng cho hạnh lắng nghe, yêu thương thấu hiểu người khác chứ không có quyền năng như trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Lấy thành công của y học gán ghép cho chuyện linh thiêng theo tiểu thuyết, chứng minh cho tà pháp giải oan, giải nghiệp cúng vong là mượn Phật để làm trò mê tín dị đoan.

Điều đáng nói là dù có bao nhiêu cơ quan quản lý Ban Tôn Giáo, Giáo Hội, Bộ Thông Tin Truyền Thông,… với hệ thống giáo luật, pháp luật chặt chẽ, hàng chục bài viết, clip truyền bá mê tín của chùa Ba Vàng đã bị các nhà khoa học lên tiếng phản đối, vẫn sinh sôi lan tràn trên không gian mạng gieo rắc nọc độc, niềm tin sai lạc cho hàng triệu con người suốt từ năm 2013 đến nay. Đó có phải là sự bao che?

Đình đám hơn nữa là vụ chùa Ba Vàng trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” gây xôn xao dư luận. Vấn đề mà đại chúng quan tâm và cần Giáo Hội, Ban Tôn giáo Chính phủ trả lời không phải là chuyện xử lý đồng chí Thích Thái Trúc Minh như thế nào mà cần khẳng định đây là xá lợi tóc Đức Phật thật hay chỉ là cỏ Pili. Điều này hết sức quan trọng vì nó thể hiện quan niệm cơ bản về cách nhìn, cách tiếp cận đối với hình tượng Đức Phật như là biểu tượng của trí tuệ từ bi hay là một xác ướp huyền thoại vẫn sinh tồn sau 2600 năm? Phật Giáo Việt Nam đem đến cho phật tử con đường giải thoát bằng trí tuệ hay đồng hóa với các đạo phù thủy, bùa chú?

2 Ai Bao Ke Cho Ba Vang Ngang Nhien Hanh Nghe Me Tin Di Doan

Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trái) cầm "xá-lợi tóc Đức Phật" chùa Ba vàng trưng bày. Hình: Báo Giác Ngộ

Chừng như hiểu  được tầm quan trọng này, trong cuộc họp tại trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 4-1, đại diện Bộ Ngoại giao cũng đã báo cáo về việc Bộ Ngoại giao đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar để xác định nguồn gốc về “xá lợi tóc Đức Phật” được cho là Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng. (4)

Đây là động thái tích cực rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, mấy tháng sau, khi cơ quan chức năng ra quyết định xử lý thì câu hỏi quan trọng ấy không hề được giải đáp. Bộ Ngoại Giao im lặng, còn các cơ quan khác thì tuyên bố hết sức ất ơ, lấp liếm.

UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) quyết định xử phạt hành chính đối Thích Trúc Thái Minh 7,5 triệu đồng “vì tổ chức trưng bày triển lãm hiện vật được gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" khi không gửi thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho rằng “chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cái gọi là "xá lợi tóc Phật" cho nhân dân chiêm bái và một số hoạt động là chưa đúng quy định của luật về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 ngày 30-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo….”

Đây là cái lỗi hoàn toàn hình thức, do không xin phép chính quyền còn việc sư Ba Vàng có lừa đảo công chúng, dối Phật, bán sỉ bán lẻ Đức Phật thu tiền cúng dường hay không thì lại làm ngơ.

Hội đồng Trị sư nhận định các hoạt động trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" của Đại đức Thích Trúc Thái Minh làm ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin Phật giáo, tín tâm của Phật tử về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.” (5)

Ảnh hưởng niềm tin là như thế nào? Nhiều người trong đó có cả quan chức đã tin sái cổ đã tự hào  mân mê vuốt ve tóc Phật. Nếu bảo vật trấn quốc của nước bạn, một phần thân thể thiêng liêng của Đức Phật mà ai cũng có thể mân mê như vậy thì đáng tự hào chứ có gì ảnh hưởng?

Đặc biệt là sau vụ lừa đảo mang tầm quốc tế như vậy giáo hội vẫn hết sức nhẹ nhàng nâng niu đồng chí Ba Vàng, chỉ cấm tổ chức sự kiện quốc tế trong vòng một năm. Nhờ vậy, Ba Vàng rầm rộ tổ chức khóa tu mùa hè cho học sinh thu hút hàng chục ngàn em để tiếp tục truyền bá về vong báo oán, nghiệp từ nhiều kiếp trước.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền một video trong khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng có xuất hiện cảnh quay một nữ sinh K.L, bị co giật. Sư thầy Ba Vàng cho rằng em gái đã tạo nghiệp với vong trong 14 kiếp trước. “oan gia” Phạm Thị Yến thuyết giảng như chuyện trong phim kinh dị, oan gia trái chủ của K.L là một vong linh - một cô gái rất đẹp trong làng. Do kiếp trước K.L khởi ý, rủ vong linh, khiến nó làm việc ác nên kiếp này vong linh oán và thành oan gia trái chủ của K.L.

“Dưới phần bình luận video về màn thuyết giảng tại Khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng, hàng nghìn comment của các vị phụ huynh bày tỏ lo lắng trước việc nhiều em nhỏ lắng nghe và tin tưởng vào câu chuyện về nghiệp duyên kiếp trước này.” (6)

Màn trình diễn ma thuật sống động trực tiếp trước hàng ngàn em học sinh tham dự khóa tu và được lan truyền trên mạng hàng năm qua sẽ gây tác hại như thế nào với trí óc non nớt của thế hệ trẻ? Làm thế nào để giải độc, tẩy xóa những chấm mực đen đã gieo rắc vào tâm hồn thơ dại, trí óc trong trắng của các em? 

Chính quyền từ tỉnh đến TP Quảng Ninh không ai nghĩ đến điều đó. Người ta chỉ bao biện, bảo vệ cho sư Ba Vàng và phủi trách nhiệm của mình. Ông Nguyễn Đăng Kiên - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh – trả lời báo chí “qua xác minh thì video clip đó đúng là của chùa Ba Vàng nhưng từ năm 2019. Liên quan đến video clip này, sư trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh cũng đã bị các cơ quan liên quan xử lý theo quy định.” (7)

Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

1.Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. (8)

Với từng ấy hành vi bán Phật, mua vong giải nghiệp, đồng chí Thích Ba Vàng đã đủ yếu tố cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan chưa? Ai bảo kê? Vì sao các cơ quan từ trung ương đến địa phương cứ ngắc ngứ bao che để sư liên tục khuynh loát xã hội, tác yêu tác quái lừa dọa người nhẹ dạ cả tin thu tiền cúng dường? Bao nhiêu người sẽ tiếp tục hoan hỉ bị lừa? Tội ác của sư Ba Vàng còn gieo rắc đến bao giờ?


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày