Báo VNExpress hôm 12 Tháng Tư dẫn tin từ trang web hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải cho biết các cổ vật sẽ được bán ở phiên đấu giá Xuân 2023.
Sắc phong thần của Vua Thiệu Trị ban hồi năm 1844 được rao trên trang mạng của hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải. (Hình: VNExpress)
Theo hãng đấu giá này, có 12 đạo sắc phong, chủ yếu của vua thời Nguyễn sẽ được rao bán ở phiên ngày 22 Tháng Tư tới. Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn.
Trong số đó có sắc phong được cho là của Vua Lê Hiển Tông dành cho hoàng đế triều đại trước, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Mức giá khởi điểm của sắc phong là 2,800 nhân dân tệ ($405).
Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh, có giá khởi điểm 2,800 nhân dân tệ ($405). Thánh chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Đền Quốc Tế ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nơi giữ các sắc phong trước khi bị mất trộm. (Hình: Phú Thọ)
Cùng ngày, ông Hoàng Đạo Cương, thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, xác nhận với báo Tiền Phong về sự việc.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch huyện Tam Nông, cho hay trước đây nhiều sắc phong của vua được cất giữ tại đền Quốc tế thuộc xã Dị Nậu đã bị lấy trộm. Một số sắc phong này có thông tin trùng với thông tin sắc phong được rao bán trên website ở Trung Quốc.
Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Minh, chủ tịch xã Dị Nậu, cho biết khi nhận được thông tin ông “cũng khá bất ngờ.”
“Xã Dị Nậu đã báo cáo đến Ủy Ban Nhân Dân huyện Tam Nông và công an nhờ các cơ quan hữu trách xác minh, điều tra giúp xã Dị Nậu sớm tìm ra, nhận lại được số sắc phong đã bị mất,” ông Minh nói.
Két sắt bị cạy để trộm sắc phong ở đền Quốc Tế ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, hồi Tháng Năm, 2021. (Hình: Thanh Niên)
Báo cáo của xã Dị Nậu nêu rõ, hôm 11 Tháng Tư, trên một nhóm Facebook “Làng Việt xưa và nay” có bài viết của tác giả Trần Ngọc Đông thu hút sự quan tâm của cán bộ, người dân địa phương.
Tác giả Trần Ngọc Đông nêu: “Đau xót khi sắc phong của đền Quốc Tế bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Bởi, vào Tháng Năm, 2021, trên địa bàn xã đã xảy ra vụ trộm tại đền Quốc Tế. Kẻ trộm đã đột nhập và dùng xà beng phá két sắt, sau đó lấy đi hàng chục sắc phong và nhiều sách cổ. Đây đều là những cổ vật có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.”
Đền Quốc Tế đã được nhà nước công nhận “Di tích lịch sử cấp quốc gia” vào năm 1992. Trải qua các triều đại, ngôi đền đã có 40 đạo sắc phong có dấu ấn của các nhà vua.
Đền Quốc Tế là ngôi đền cổ, được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1992. (Hình: Dân Trí)
Theo báo Thanh Niên, đền Quốc Tế thờ Cao Sơn Đại Vương. Thánh Cao Sơn là người đã có công phò vua, giúp nước đánh tan quân Thục năm 258 Trước Công Nguyên. Cao Sơn được Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) phong chức Chỉ Huy Sứ Tả Tướng Quân. Ngoài ra, bốn ngôi đền ở bốn phía Đông-Tây-Nam-Bắc còn thờ các vị tướng tài thời Hùng Vương.
Sắc phong cổ nhất của đền từ thời vua Lê Chân Tông, với nội dung tấn phong ngài Cao Sơn là Linh Ứng Đại Vương vào năm 1645. Đền cũng còn có các sắc phong đời vua Quang Trung thời Tây Sơn. Sắc phong cuối cùng do vua Duy Tân ban cho ngài Cao Sơn là Thượng Đẳng Thần Anh Linh, ban cho các đại vương Bạch Thạch, Hiếu Lang, Quý Minh là thủ lĩnh đại tướng quân vào năm 1909.
Tr. N
© 2024 | Thời báo ĐỨC