Kết quả một cuộc khảo sát về ngôn ngữ trên toàn nước Úc gần đây cho thấy, tổng số người nói tiếng Việt tại Úc tính đến hết năm 2016 là 275.000 người. Trong số này có 16.772 người không hề biết tiếng Anh (chiếm 6%) và 70.000 người biết tiếng Anh nhưng ở trình độ thấp (chiếm 25%).
Chúng ta điều biết rằng Úc là một quốc gia đa ngôn ngữ, bởi nước này có cơ cấu dân số chủ yếu là người nhập cư. Và tiếng Việt là một trong năm ngôn ngữ phổ biến tại Úc, sau tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Ả Rập.
Trong cơ cấu người Việt tại Úc, một tỷ lệ lớn là những người đi sang theo diện đoàn tụ gia đình (cha mẹ sang định cư theo con, vợ sang theo chồng…). Những người theo diện phụ thuộc này thường không biết tiếng Anh hoặc có trình độ tiếng Anh thấp, nên không phải cứ sang Úc và sống ở Úc thì biết tiếng Anh.
Một trong những điểm mạnh của người Việt là hình thành những cộng đồng, sống gần nhau và có nếp sinh hoạt giống nhau. Nhiều thành phố lớn thậm chí có những phố toàn người Việt, họ chủ động mua nhà gần nhau để tiện giao lưu, chia sẻ.
Ngoài ra có một lý do khác là tỷ lệ người Việt được làm trong môi trường tiếng Anh là không nhiều, như làm ở các văn phòng, công sở, công ty của người bản địa. Rất nhiều người vẫn lao động chân tay và làm việc trong môi trường ít cần giao tiếp tiếng Anh.
Mặc dù không biết tiếng Anh, nhưng nhiều người vẫn có thể hòa nhập vào cuộc sống ở Úc nhờ cộng đồng người Việt tại đây
Vì những điều trên mà nhiều người Việt không biết hoặc thậm chí không cần học tiếng Anh mà vẫn có thể đi làm, đi chợ, đi ăn uống mua sắm, giao lưu nói chuyện với cộng đồng. Nhiều nhà hàng, khu chợ còn treo biển bằng tiếng Việt, nhân viên toàn người Việt, bán cho người Việt là chính. Các tờ báo giấy và cả báo điện tử tin tức tại Úc đều có tiếng Việt để đọc. Các bên cung cấp dịch vụ như học lái xe, tư vấn bất động sản, luật sư, tuyển dụng lao động phổ thông… đều có người nói tiếng Việt.
Khi trao đổi với chúng tôi, nhiều người cho biết ban đầu họ đi theo người thân để sang đã, rồi sang đó sẽ tìm cách học tiếng Anh để hòa nhập. Nhưng sau khi sang đây một thời gian, thấy có thể sống hoàn toàn thoải mái mà không cần biết tiếng Anh, thế là dần dần không chịu học tiếng Anh nữa, vì ở nhà cũng nói 100% tiếng Việt. Mọi người còn nêu lý do là nói tiếng Việt ở nhà nhiều cho các thế hệ con cháu về sau còn biết đến tiếng Việt.
Và đó cũng là nguyên nhân mặc dù người Việt sang Úc ngày càng nhiều, nhưng tỷ lệ người không biết tiếng Anh lại còn tăng cao hơn tỷ lệ tăng dân số người Việt.
Nước Úc có rất nhiều các chương trình hỗ trợ học tiếng Anh cho người mới
Tuy vậy điều này cũng có mặt trái của nó. Khi sống trong môi trường toàn tiếng Việt, người ta sẽ bị “ỷ lại” và “lười biếng”. Dần dần không có ý thức học tiếng Anh nữa. Phải thừa nhận rằng kể cả khi mọi thông tin đều có tiếng Việt để nắm bắt thì vẫn không bao giờ bằng được khi biết thêm tiếng Anh.
Những người chỉ biết tiếng mỗi Việt thường chỉ thấy thoải mái khi sống trong “phạm vi” của họ, thường là một khu vực nhỏ. Mỗi khi cần đi chơi, tham quan du lịch… sang một khu vực khác thì lại cảm thấy tự ti khi không thể giao tiếp, không biết cách hỏi thông tin, xem chỉ dẫn bằng tiếng Anh, không thể chủ động được mà lúc nào cũng phải phụ thuộc vào người nhà dẫn đi. Để coi nước Úc như nhà của mình thì phải hòa nhập với văn hóa tại đây, nắm bắt phong tục tập quán, lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội… mà không phải tất cả thông tin này đều sẵn có bằng tiếng Việt. Cho nên nếu người Việt ở đây mà không chịu học tiếng Anh, và không có nhiều bạn bè, thì dần dà sẽ cảm thấy chán vì cuộc sống đơn điệu.
Đơn cử những trường hợp sang Úc theo diện kết hôn, mọi thứ phụ thuộc hết vào người hôn thê tại đây. Nhiều người bị lừa, bị lạm dụng, bạo hành… mà không dám và không biết kêu ai, vì không đọc hiểu được các quy định của pháp luật, các quyền lợi của mình. Và đương nhiên họ sẽ phải chịu thiệt thòi.
Như vậy lời khuyên cho những người thực sự muốn có cuộc sống tốt đẹp tại Úc là nên học tiếng Anh một cách nghiêm túc, dù chỉ cần ở mức độ giao tiếp đơn giản. Xã hội Úc rất nhân văn, họ luôn tìm cách hỗ trợ người mới để có thể hòa nhập cuộc sống, chỉ là chúng ta có chịu hòa nhập hay không thôi. Rất nhiều chương trình học tiếng Anh được thiết kế dành riêng và miễn phí cho những người cao tuổi chưa bao giờ học ngoại ngữ. Vậy bạn hãy coi việc học ngoại ngữ là cơ hội để giao lưu, mở rộng quan hệ với những người “chung hoàn cảnh” với mình, thì việc học sẽ có động lực mạnh mẽ và hiệu quả cao hơn.
© 2024 | Thời báo ĐỨC