Ukraine tiết lộ chiến lược đánh phủ đầu ở Kursk

Tổng tư lệnh Ukraine cho biết, quân đội nước này đã tấn công phủ đầu vào Kursk nhằm ngăn chặn kế hoạch tấn công của Nga từ đây.

1 Ukraine Tiet Lo Chien Luoc Danh Phu Dau O Kursk

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi

Trước sự bất ngờ của các đồng minh phương Tây và của chính các binh sĩ Ukraine, quân đội Ukraine hôm 6/8 đã tấn công xuyên biên giới vào tỉnh biên giới Kursk của Nga. Điều này báo hiệu mặc dù Nga có lợi thế về quân số và thiết giáp, nhưng quân đội của họ vẫn có điểm yếu.

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên từ khi trở thành Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi nói ông tin chiến dịch Kursk đã thành công.

"Chiến dịch này giúp giảm bớt mối đe dọa tấn công từ phía Nga. Chúng tôi đã ngăn chặn được nguy cơ họ hành động", ông Syrskyi cho biết.

Ông Syrskyi liệt kê các mục tiêu chính của chiến dịch tấn công phủ đầu này: ngăn chặn Nga sử dụng Kursk làm bàn đạp cho một cuộc tấn công mới, chuyển hướng lực lượng của Moscow khỏi các khu vực khác, tạo ra một khu vực an ninh và ngăn chặn việc pháo kích xuyên biên giới vào mục tiêu dân sự, bắt giữ tù binh chiến tranh và nâng cao tinh thần của quân đội Ukraine và toàn thể quốc gia.

Ông cho hay Moscow đã phải điều động hàng chục nghìn quân đến Kursk, bao gồm một phần lực lượng tấn công đường không tinh nhuệ của mình.

Mặc dù thừa nhận Ukraine đang chịu áp lực rất lớn ở khu vực xung quanh Pokrovsk, thành phố chiến lược hiện là tâm điểm của cuộc chiến ở miền đông Ukraine, ông Syrskyi khẳng định quân đội Ukraine đã có thể ngăn chặn được bước tiến của Nga tại đó.

"Trong 6 ngày qua, đối phương không tiến được mét nào theo hướng Pokrovsk. Nói cách khác, chiến lược của chúng tôi đang có hiệu quả. Chúng tôi đã khiến họ không còn khả năng cơ động và triển khai lực lượng tăng viện từ các hướng khác… Chúng tôi nhận thấy rằng số lượng pháo kích cũng như cường độ tấn công đã giảm", ông nói.

Ukraine vẫn đối mặt khó khăn

2 Ukraine Tiet Lo Chien Luoc Danh Phu Dau O Kursk

Một xe chiến đấu Stryker của Ukraine (Ảnh: Getty).

Tướng Syrskyi thừa nhận, Ukraine bị Nga áp đảo cả về quân số và vũ khí. "Đối phương có lợi thế về hàng không, tên lửa, pháo binh, về số lượng đạn dược, tất nhiên cả nhân lực, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh", ông nói.

Tuy nhiên, ông Syrskyi cũng cho rằng việc Nga có lợi thế vật chất như vậy đã buộc Ukraine phải trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn trong cách tác chiến.

"Chúng ta không thể chiến đấu theo cách của họ, vì vậy trước hết chúng ta phải sử dụng cách tiếp cận hiệu quả nhất, sử dụng lực lượng và phương tiện của mình, tận dụng tối đa các đặc điểm địa hình, kết cấu công trình, đồng thời phải sử dụng ưu thế kỹ thuật", ông nhấn mạnh.

Ở khía cạnh này, ông đề cập đến chương trình máy bay không người lái tiên tiến của Ukraine và các loại vũ khí công nghệ cao khác được sản xuất trong nước.

Tướng Syrskyi được bổ nhiệm lại Tổng tư lệnh Ukraine hồi tháng 2, thay thế tướng Valerii Zaluzhnyi, đúng vào giai đoạn đặc biệt khó khăn với Ukraine.

Việc Mỹ trì hoãn thông qua gói viện trợ mới cho Kiev suốt nhiều tháng đã gây ra tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng. Cùng lúc đó, Ukraine cũng phải vật lộn để bổ sung quân đội, kiệt sức và suy giảm sau 2 năm đối phó các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga.

Ông Syrskyi cho biết, việc tuyển thêm binh lính là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Ukraine sau đó đã thông qua luật huy động gây tranh cãi, yêu cầu tất cả nam giới từ 18 đến 60 tuổi phải đăng ký với quân đội và luôn mang theo giấy tờ đăng ký bên mình.

Bảy tháng sau, những tân binh mới đến tiền tuyến. Tuy nhiên, một số chỉ huy thừa nhận, không phải tất cả binh sĩ mới đều sẵn sàng chiến đấu và thường xuyên rời bỏ vị trí của mình.

Ông Syrskyi thừa nhận quân đội Ukraine đang tiến ra chiến trường sau khi được huấn luyện ít hơn những gì ông mong muốn.

"Biến động ở mặt trận đòi hỏi chúng ta phải đưa quân nhân nhập ngũ vào phục vụ càng sớm càng tốt", ông lý giải.

Ông cho biết, những tân binh này chỉ có một tháng huấn luyện quân sự cơ bản, tiếp đến là nửa tháng hoặc cả tháng huấn luyện đặc biệt trước khi tham gia chiến trường.

Ông nói, việc Mỹ trì hoãn cấp viện trợ kéo theo những bước lùi lớn của Ukraine trên chiến trường, khiến tinh thần binh sĩ đi xuống. Hiện giờ đây vẫn là vấn đề mà quân đội Ukraine phải đối mặt.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày