Ukraine quyết tâm gia nhập NATO để bảo đảm an ninh

Ukraine đã khẳng định rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ phương án nào ngoài việc trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để bảo đảm an ninh lâu dài.

1 Ukraine Quyet Tam Gia Nhap Nato De Bao Dam An Ninh

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha bắt tay Tổng thư ký NATO Mark Rutte trong cuộc họp ngoại trưởng NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS

Tại cuộc họp ngoại trưởng NATO ngày 3-12, liên minh này vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức đối với Kiev.

Quan điểm kiên định của Ukraine

Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã gửi thư cho các đối tác NATO, nhấn mạnh rằng lời mời họ gia nhập sẽ loại bỏ lý do chính mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc chiến: ngăn cản Ukraine trở thành thành viên của NATO.

Mặc dù NATO tuyên bố rằng con đường gia nhập của Ukraine là "không thể đảo ngược", liên minh vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể hay đưa ra lời mời chính thức. Các nhà ngoại giao cho biết vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa 32 quốc gia thành viên.

Một số quốc gia muốn đợi đến khi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố quan điểm của họ trước khi đưa ra quyết định. Là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong NATO, lập trường của Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng.

Sau bữa tối thảo luận giữa ông Sybiha và các ngoại trưởng NATO tại trụ sở ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết không có tiến triển nào liên quan đến vấn đề kết nạp Ukraine.

Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky, đại diện cho nhóm quốc gia ủng hộ lời mời gia nhập, thừa nhận rằng vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, khẳng định Budapest phản đối Ukraine trở thành thành viên NATO.

Còn giải pháp khác?

Theo Hãng tin Reuters, một số nhà phân tích cho rằng Ukraine có thể nhận được các cam kết bảo đảm an ninh từ các quốc gia phương Tây riêng lẻ thay vì toàn bộ NATO. Tuy nhiên, Ukraine cương quyết bác bỏ điều này, nhấn mạnh rằng các cam kết trước đây, như Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, đã không mang lại sự bảo đảm thực sự.

Khi tới NATO, Ngoại trưởng Sybiha đã mang theo bản sao Bản ghi nhớ Budapest và nhấn mạnh: "Tài liệu này đã thất bại trong việc bảo đảm an ninh cho Ukraine và khu vực xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta phải tránh lặp lại sai lầm này".

Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố rằng NATO đang "xây dựng cầu nối" để Ukraine trở thành thành viên, nhưng vấn đề cấp thiết hiện nay là cung cấp thêm vũ khí cho Kiev để đối phó với quân đội Nga.

Ông Rutte cho biết liên minh đang tập trung bảo đảm Ukraine có vị thế tốt nhất khi ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng hoan nghênh các gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ, Đức, Thụy Điển và các quốc gia châu Âu khác, bao gồm khoản viện trợ trị giá 725 triệu USD của Mỹ công bố hồi đầu tuần.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh quyết tâm chung của các nước NATO trong việc làm mọi điều cần thiết để Ukraine có thể bảo vệ mình và tiến tới một giải pháp công bằng, bền vững trước xung đột với Nga.

Ukraine xem việc gia nhập NATO là biện pháp bảo đảm an ninh vững chắc nhất cho tương lai. Theo hiệp ước phòng thủ chung, các thành viên NATO cam kết coi một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào như tấn công vào cả liên minh và sẽ hỗ trợ lẫn nhau.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng nếu lãnh thổ do chính phủ ông kiểm soát được đưa "dưới chiếc ô NATO", điều này sẽ giúp chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc chiến.

Tuy nhiên, với việc mùa đông khắc nghiệt đã đến và các cuộc không kích của Nga gây áp lực lên hệ thống năng lượng, Ukraine vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi đạt được mục tiêu chiến lược này.

MINH KHÔI

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày