Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak (Ảnh: Reuters).
"Chúng ta cần giáng những thất bại chiến thuật đáng kể lên Nga. Ở khu vực Kursk, chúng ta thấy rõ công cụ quân sự được sử dụng một cách khách quan như thế nào để thuyết phục Liên bang Nga tham gia vào quá trình đàm phán công bằng", Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak bình luận trên Telegram ngày 16/8.
Ukraine mở cuộc đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga rạng sáng 6/8 giữa lúc Moscow đạt được nhiều bước tiến ở mặt trận Donetsk, miền Đông Ukraine.
Quân đội Ukraine tuyên bố đã kiểm soát hơn 1.000km2 lãnh thổ ở Kursk và bắt giữ hơn 100 tù binh Nga.
Giới chức Kiev khẳng định, mục tiêu cuối cùng của cuộc đột kích không phải là chiếm giữ lãnh thổ Nga, mà để cải thiện vị thế của Kiev trong bất cứ cuộc hòa đàm nào sau này với Moscow.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đây là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" và sẽ bị trả đũa thích đáng.
Moscow cũng cáo buộc phương Tây hậu thuẫn chiến dịch đột kích của Nga.
Cố vấn tổng thống Nga, cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev ngày 15/8 phát biểu: "Tuyên bố của lãnh đạo Mỹ về việc không can dự vào các hành động của Kiev ở vùng Kursk không phù hợp với thực tế... Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ trực tiếp của họ, Kiev sẽ không mạo hiểm tiến vào lãnh thổ Nga".
Ông nói, các nước NATO đã liên tục cung cấp cho Ukraine vũ khí, huấn luyện viên quân sự.
"NATO và các lực lượng đặc nhiệm của phương Tây cũng lên kế hoạch cho cuộc đột kích ở Kursk", ông Patrushev cáo buộc.
Cùng ngày, nghị sĩ Nga Mikhail Sheremet cảnh báo, cuộc đột kích của Ukraine có sự hậu thuẫn của phương Tây đang đẩy thế giới đến gần hơn một cuộc chiến toàn cầu.
"Xem xét sự hiện diện của thiết bị quân sự phương Tây, việc sử dụng đạn dược và tên lửa phương Tây trong các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và bằng chứng không thể chối cãi về sự tham gia của người nước ngoài vào cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, người ta có thể đi đến kết luận rằng thế giới đang trên bờ vực của Thế chiến III", ông Sheremet bình luận.
Nghị sĩ này cũng nhắc lại quan điểm của giới chức Nga rằng các nước NATO đã bật đèn xanh cho kế hoạch đột kích của Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định không được thông báo trước về chiến dịch này của Kiev và Washington đang liên hệ để tìm hiểu rõ hơn về mục đích thực sự của cuộc đột kích. Mặt khác, Nhà Trắng nêu rõ, cuộc đột kích không vi phạm chính sách hiện nay của Mỹ đối với Ukraine.
Về phía chuyên gia, các nhà phân tích quân sự nhận định, chiến dịch đột kích của Ukraine khá táo bạo và rủi ro. Họ lập luận, việc Ukraine rút bớt lực lượng khỏi tiền tuyến để triển khai cuộc đột kích có thể khiến phòng tuyến của nước này ở miền đông càng dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của Nga.
Kiev nói, cuộc đột kích nhằm khiến Nga phải chuyển bớt lực lượng khỏi tiền tuyến Ukraine. Tuy nhiên, thực tế, Nga dường như mới chỉ rút rất ít quân về Kursk, cường độ tấn công tại các điểm nóng ở Donetsk không có dấu hiệu giảm.
Theo Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC