Trung Quốc dẹp dần các tài khoản mạng xã hội của chính quyền

Tiền bị siết chặt, nhân viên quản lý chịu áp lực và rủi ro lừa đảo khiến nhiều địa phương Trung Quốc dẹp bỏ các tài khoản của chính quyền trên mạng.

1 Trung Quoc Dep Dan Cac Tai Khoan Mang Xa Hoi Cua Chinh Quyen

Các nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình SCMP

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, sau một thập kỷ phát triển nóng dẫn đến cơ quan và văn phòng công quyền nào cũng có ứng dụng (app) hay trang web dù không cần thiết, Trung Quốc đang dần chấn chỉnh.

"Đóng cửa" hàng loạt

Thống kê của SCMP cho thấy hàng chục thành phố ở các tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Thiểm Tây, Sơn Đông và Giang Tô cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã công bố kế hoạch cắt giảm các trang web, tài khoản mạng xã hội và app chính quyền trong năm nay.

Gần đây nhất, vào tuần đầu tiên của tháng 5, quận Long Cương thuộc siêu đô thị Thâm Quyến đã thông báo các dịch vụ web của Phòng giám sát đất đai và Phòng giám sát tài sản nhà nước sẽ ngừng hoạt động, vì cả hai cơ quan này đã được sáp nhập vào các cơ quan khác.

Cùng tuần đó, Quảng Tây đã đóng cửa trang web và các tài khoản mạng xã hội của Văn phòng Phát triển công nghiệp sản xuất đường của họ. Văn phòng này đã được hợp nhất vào Ủy ban Phát triển và Cải cách Quảng Tây, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của tỉnh.

Một số đơn vị khác cũng "rời khỏi Internet", bao gồm: Phòng cựu chiến binh quận Vũ Hoa ở thành phố Côn Minh, Phòng văn hóa, du lịch và thể thao quận Vị Ương ở Tây An, Phòng tư pháp quận Lâm Vị ở Vị Nam của tỉnh Thiểm Tây, và Phòng quản lý đô thị của quận Giang Ninh ở Nam Kinh.

Theo thông báo, dù các cơ quan này vẫn tiếp tục tồn tại nhưng các trang web, tài khoản mạng xã hội và app của họ đã được các cơ quan cấp cao hơn của thành phố tiếp quản.

Các quan chức địa phương và các nhà phân tích cho biết lý do "đóng cửa hàng loạt" đến từ cải cách thể chế, thu hẹp nguồn vốn và sự mệt mỏi gia tăng của các cán bộ cấp thấp được giao nhiệm vụ duy trì các nền tảng này.

Những nỗ lực tinh giản này diễn ra trong vòng chưa đầy sáu tháng, sau khi Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc ban hành chỉ thị yêu cầu chính quyền địa phương hợp nhất nền tảng "tương tự và trùng lặp". 

Nhiều trang web, app hoặc tài khoản mạng xã hội công quyền được coi là "voi trắng" hoặc thậm chí là "zombie" khi bị kiểm soát bởi những kẻ lừa đảo trên Internet.

Voi trắng ám chỉ các dự án tiêu tốn nhiều tiền, nhân lực nhưng không đem lại hiệu quả và việc duy trì chúng được xem là lãng phí. Trong khi zombie ám chỉ tình trạng lay lắt tồn tại và tất nhiên, không đem lại hiệu quả tuyên truyền.

Áp lực với công chức Trung Quốc cấp thấp

Một công chức tại Thâm Quyến, người phụ trách một số nền tảng web của thành phố, cho biết việc điên cuồng theo đuổi tương tác trực tuyến đã gây ra "rất nhiều căng thẳng cho nhân viên dưới cơ sở".

"Sau khi đăng nội dung lên tài khoản mạng xã hội, chúng tôi phải huy động đồng nghiệp, bạn bè giúp bấm vào bài viết. Tôi thậm chí còn phải nhờ bố mẹ và ông bà giúp đỡ" - người này nói và cho biết bản thân ủng hộ việc hợp nhất, tinh giản.

Việc cắt giảm nhân sự tại các cơ quan chính quyền địa phương cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhiều nơi đã phải cắt giảm nhân viên hợp đồng, vốn là những người thường chịu trách nhiệm cập nhật trang web và tài khoản mạng xã hội của cơ quan.

Đầu tháng này, SCMP đưa tin chính quyền các khu vực của Trung Quốc đã cắt giảm hàng nghìn vị trí trong những năm gần đây.

Việc thiếu nhân sự là một vấn đề, vấn đề khác là sự thiếu quản lý và sâu sát với những tài khoản mạng xã hội, app của chính quyền.

Chẳng hạn, tài khoản Weibo của đội quản lý đô thị quận Wulijie ở Vũ Hán bị phát hiện đã đăng một số bài viết với nội dung mời chào mang thai hộ và thậm chí là mại dâm từ năm 2017 đến năm 2019.

Chính quyền địa phương mãi đến năm 2021 mới phản hồi, giải thích rằng tài khoản này đã bị bọn tội phạm chiếm đoạt.

Các cơ quan công quyền Trung Quốc bắt đầu hiện diện trực tuyến trên mạng xã hội từ tháng 11-2009.

Các trang web và tài khoản mạng xã hội giải đáp những vấn đề địa phương nhanh chóng trở nên phổ biến, đặc biệt là sau khi Chính phủ Trung Quốc ra chỉ thị chính thức vào năm 2013, công nhận rằng các nền tảng này có thể giúp tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của chính phủ.

Theo Báo cáo phát triển Internet của Trung Quốc công bố vào ngày 26-3 vừa qua, tính đến cuối năm ngoái, có hơn 146.000 cơ quan công quyền ở Trung Quốc đã có sự hiện diện chính thức trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Nhưng nhiều tài khoản của chính quyền địa phương đã bị bỏ quên, một số bị tin tặc hoặc những kẻ lừa đảo trên mạng chiếm đoạt.

HÀ THU

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày