Chìm sâu trong khủng hoảng
Ông Saad Hariri có cuộc gặp với Tổng thống Emmanuel Macron. Hai bên đã thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Lebanon, sau khi ông Hariri tuyên bố từ chức nhanh chóng ở Saudi Arabia với lý do lo ngại một âm mưu ám sát.
Hành động của ông Hariri đã đẩy Lebanon chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị và khoét sâu thêm cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran, sau những tranh cãi liên quan đến Qatar.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 10-11, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh không chọn đứng về bên nào ở khu vực Trung Đông. Vai trò của Pháp là đối thoại với tất cả các bên.
Một giàn khoan trên biển của Lebanon - ảnh AFP
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Lebanon ra thông cáo cho biết Thủ tướng Hariri sẽ về nước vào Ngày Độc lập 22-11 tới. Theo kênh truyền hình Press TV của Iran, Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil khẳng định sẽ đáp trả bất kỳ mọi mưu toan can thiệp từ bên ngoài.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Lebanon nhấn mạnh ông Hariri có thể quyết định việc liệu có từ chức Thủ tướng Lebanon hay không ngay khi trở về nước. Hãng tin Interfax của Nga dẫn phát biểu của ông Bassil cho rằng một số thế lực đang cố tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo nước này.
Việc ông Hariri từ chức do chịu áp lực lớn từ phía Saudi Arabia hiện vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo giới quan sát, điều kiện mà Saudi Arabia đưa ra cho Lebanon để tránh lệnh trừng phạt là Hezbollah, phong trào do Iran hậu thuẫn nắm giữ quyền lực chính trị chính của Lebanon và một phần của liên minh cầm quyền, phải chấm dứt can thiệp vào các cuộc xung đột trong khu vực, đặc biệt là tại Yemen, xem ra không thể thực hiện được dễ dàng vì Iran và Hezbollah đã tỏ dấu hiệu không muốn nhượng bộ.
Để đối phó với Iran và Hezbollah, Riyadh sẵn sàng làm thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, qua đó có thể làm suy yếu vai trò của Hezbollah trong khu vực, nếu yêu cầu của mình không được đáp ứng.
Đây vốn là điều mà nhiều người Lebanon lo lắng.
Nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ
Căng thẳng diễn ra ở Lebanon trong tuần qua đã đẩy giá dầu đi lên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17-11, giá dầu WTI đã tăng 55 USD/thùng, mức tăng cao nhất trong vòng hai năm qua. Trong khi giá dầu Brent đã có lúc vọt hơn 60 USD/thùng.
Theo trang Oilprice, nếu cuộc khủng hoảng giữa Iran và Saudi Arabia vẫn tiếp diễn, khả năng giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đó là điều có thể xảy ra.
Giới giao dịch dầu mỏ đã lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung sau khi nổ ra chiến dịch chống tham nhũng do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng tại Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất Trung Đông. Cuộc khủng hoảng diễn ra ở Lebanon càng khiến lo ngại này có thêm cơ sở.
Russia Today dẫn lời nhà phân tích Mikhail Mashchenko cho rằng nếu cuộc xung đột Iran – Saudi Arabia nổ ra, sẽ có tác động lớn đến thị trường dầu mỏ và nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu có thể lên tới mức 500% so với hiện nay, tức vào khoảng 300USD/thùng.
Trong khi đó, theo ông Ivan Karyakin, chuyên gia phân tích đầu tư tại công ty môi giới và có cảnh báo rủi ro Global FX, Saudi Arabia, Iraq, Iran, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman và Qatar cùng sản xuất khoảng 28 triệu thùng/ngày, chiếm ít nhất khoảng 30% sản lượng dầu toàn cầu. Nếu cuộc xung đột nổ ra, giá dầu sẽ tăng ngay lên 150-180 USD/thùng.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC