Bắc Kinh đã bày tỏ sự phản đối kiên quyết và lên án mạnh mẽ đối với hành động này trong khi Matxcơva bày tỏ "quan ngại sâu sắc".
Vụ thử hạt nhân lần thứ sáu trong ngày 3-9 khiến thành phố giáp giới của Trung Quốc cũng ghi nhận thấy những chấn động.
Vì thế không ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân lần này, đồng thời chỉ trích gay gắt Bình Nhưỡng đã phớt lờ những chỉ trích của quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triều Tiên đã phớt lờ sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế, lại tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Bắc Kinh mất kiên nhẫn
Ảnh: REUTERS/Shina
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ Chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự phản đối kiên quyết và lên án mạnh mẽ đối với hành động này.
"Chúng tôi cương quyết yêu cầu Triều Tiên ngừng thực thi các hành động sai lầm làm trầm trọng thêm tình hình và đồng thời không đem lại lợi ích gì cho mình", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu tỏ thái độ mất kiên nhẫn với láng giềng đồng minh của mình. Không chỉ gật đầu với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ mà Bắc Kinh còn bắt đầu thực thi thực sự một số biện pháp trừng phạt nhắm vào kinh tế Triều Tiên vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga cũng phát đi tuyên bố cho biết "quan ngại sâu sắc" với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, xem đây là "hành động thách thức luật quốc tế và đáng bị lên án".
Tuy nhiên phía Nga vẫn kêu gọi các bên có liên quan hướng đến giải pháp đối thoại để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc xem thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trên màn hình tại nhà ga xe lửa ở Seoul ngày 3-9 - Ảnh: AFP
Hàn Quốc muốn cô lập Triều Tiên hoàn toàn
Cùng ngày, Hàn Quốc cũng đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, đồng thời cam kết thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ nhất của HĐBA LHQ nhằm cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đầy căng thẳng trước cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) ngay sau khi xác định vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả của cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Cố vấn an ninh chủ chốt của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui Yong khẳng định Tổng thống Moon Jae In tuyên bố Hàn Quốc sẽ không bao giờ cho phép Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy công nghệ hạt nhân và tên lửa.
Bên cạnh đó, ông Chung Eui Yong cũng khẳng định Tổng thống Moon đã ra lệnh tiến hành các biện pháp đáp trả tối đa đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng. Tại cuộc họp của NSC, ông Moon cũng yêu cầu tiến hành tất cả các nỗ lực ngoại giao để đưa ra một nghị quyết thông qua HĐBA LHQ nhằm khiến Triều Tiên bị "cô lập hoàn toàn".
Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Chung cho hay Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận về việc triển khai các khí tài chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng coi thường các cảnh báo của quốc tế và tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay vào cùng ngày.
Sáng nay 3-9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H gây chấn động lên đến 6,3 độ Richter. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này đã sản xuất được một loại bom H có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo đài truyền hình trung ương Triều Tiên, vụ thử trên được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Truyền hình ở Nhật đưa thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, phát trên màn hình tại thủ đô Tokyo ngày 3-9 - Ảnh: REUTERS
Ghi nhận rung chấn
Các nhà quan sát Nga cho biết nồng độ phóng xạ ở vùng Viễn Đông nước này vẫn duy trì "ở mức bình thường" sau khi Triều Tiên tuyên bố thử một quả bom H.
Cơ quan quan sát nhà nước Primgidromet của Nga phát thông cáo khẳng định không phát hiện bất cứ sự vượt quá nồng độ phóng xạ nào ở vùng Primorsk. Mức độ phóng xạ vẫn duy trì ổn định và ở mức bình thường.
Trong khi đó, theo các thông tin và tài khoản trên mạng xã hội, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cùng ngày đã được cảm nhận rộng rãi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, và làm rung chuyển một số thành phố Trung Quốc trong 8 giây.
Theo kênh truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, chấn động do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra có thể cảm nhận được ở thành phố Trường Xuân, cách bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên 400km về phía Tây Bắc.
Còn ở thị xã Diên Cát, cách biên giới Trung - Triều 20km, một số người cho biết chấn động đã gây ra rung lắc lớn đến mức khiến họ hoảng sợ phải chạy khỏi nhà.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố đã điều động ít nhất 3 máy bay quân sự để đo mức độ phóng xạ ở gần biên giới với Triều Tiên.
TÚ ANH - Báo Tuổi Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC