Ông Zelensky phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 24-9 - Ảnh: AFP
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 24-9, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi sự hỗ trợ trước chuyến thăm Nhà Trắng ngày 26-9. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự khi ông Zelensky tới Washington.
Một ngày sau đó, phát biểu tại Đại hội đồng khóa 79 của Liên Hiệp Quốc hôm 25-9, ông Zelensky cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "có vẻ như đang lên kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng của chúng tôi, nhằm ngắt kết nối các nhà máy này khỏi lưới điện".
"Bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào đối với hệ thống năng lượng đều có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân. Điều đó không bao giờ được phép xảy ra", ông Zelensky nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời cảnh báo rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, khẳng định rằng Matxcơva sẽ xem xét đáp trả nếu có một cuộc tấn công lớn kể cả bằng vũ khí thông thường vào Nga.
Tổng thống Zelensky nói về nguy cơ thảm họa hạt nhân tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Trước đó, Ukraine đã thúc giục Mỹ và các đồng minh nới lỏng hạn chế về việc cung cấp vũ khí có thể tấn công sâu hơn vào Nga.
Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, nhà máy lớn nhất châu Âu, ngay sau khi tiến hành tấn công Ukraine vào tháng 2-2022.
Trong những tuần gần đây, Nga liên tục tấn công lưới điện của Ukraine, điều mà các quan chức phương Tây và Ukraine mô tả là một nỗ lực nhằm khiến đất nước này phải chịu cảnh rét buốt trong mùa đông.
Trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ông Zelensky đã đặc biệt nhắc đến Trung Quốc và Brazil, đặt câu hỏi về "lợi ích thực sự" của các quốc gia đang thúc giục Ukraine đàm phán với Nga.
Ông Zelensky nói: "Thế giới đã từng trải qua các cuộc chiến tranh thuộc địa và các âm mưu của các cường quốc lớn gây thiệt hại cho những quốc gia nhỏ bé. Người dân Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận việc bất kỳ ai trên thế giới tin rằng quá khứ thuộc địa tàn bạo, vốn không phù hợp với hiện tại, lại có thể bị áp đặt lên Ukraine lúc này".
Đáp lại, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã phát biểu rằng thỏa thuận hòa bình là cách duy nhất để Ukraine "tồn tại" trong cuộc chiến này.
"Chỉ có hòa bình mới đảm bảo rằng Ukraine có thể tồn tại như một quốc gia có chủ quyền và Nga cũng sẽ tồn tại", tổng thống Brazil khẳng định.
Theo báo Politico, sau khi kết thúc các hoạt động tại Liên Hiệp Quốc, nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến sẽ thăm thủ đô Washington D.C cuối tuần này, nơi ông sẽ lần lượt gặp riêng Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC