Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
"Tôi muốn nói thẳng với các bạn: Chúng ta có thể thực hiện theo đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông ấy đề xuất rằng quân đội nước này hay nước kia có thể hiện diện trên lãnh thổ Ukraine để đảm bảo an ninh trong khi Ukraine chưa gia nhập NATO", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sau cuộc hội đàm với lãnh đạo phe đối lập Đức Friedrich Merz hôm 9/12.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết ông có kế hoạch điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về lời mời gia nhập NATO cho Ukraine.
"Tôi sẽ gọi cho Tổng thống Biden trong tương lai gần… và nêu vấn đề mời gia nhập NATO. Ông ấy hiện là tổng thống đương nhiệm của Mỹ và rất nhiều thứ phụ thuộc vào lập trường của ông ấy. Không có ích gì khi thảo luận điều này với ông Trump, khi ông ấy vẫn chưa vào Nhà Trắng", ông Zelensky nhận định.
Tuần trước, báo Wall Street Journal đưa tin đội ngũ của ông Trump tỏ ra không mấy quan tâm đến việc chấp thuận tư cách thành viên NATO cho Ukraine, trong khi ủng hộ việc chính quyền đương nhiệm của Mỹ cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden kết thúc vào tháng tới.
Trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua, hầu hết các nước phương Tây đều bác bỏ kịch bản triển khai quân đội đến Ukraine để hỗ trợ đẩy lùi lực lượng Nga do lo ngại một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Moscow.
Tuy vậy, phương Tây không ít lần vượt các "lằn ranh đỏ" do Nga đặt ra, ban đầu là cung cấp vũ khí sát thương cỡ nhỏ cho Ukraine, tiếp đến là xe tăng, máy bay chiến đấu và gần đây nhất là cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ và đồng minh viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Trong bối cảnh Nga đạt bước tiến nhanh chóng trên chiến trường, Ukraine có nguy cơ phải đưa ra những nhượng bộ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai, phương Tây có thể một lần nữa "xé rào".
Hồi tháng 11, cơ quan tình báo Nga cho biết, các nước phương Tây đang lên kế hoạch "đóng băng" xung đột Ukraine bằng cách triển khai 100.000 quân gìn giữ hòa bình đến Kiev.
Đóng băng xung đột sẽ cho phép phương Tây khôi phục lại sức mạnh cho quân đội Ukraine sau 3 năm xung đột. Đây cũng là cơ hội giúp Ukraine khôi phục lại ngành công nghiệp quân sự vốn thường xuyên bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công.
"Để đạt được những mục tiêu này, phương Tây về cơ bản sẽ cần phải đưa quân đến Ukraine dưới vỏ bọc là lực lượng gìn giữ hòa bình. NATO cần ít nhất 100.000 quân hiện diện ở Ukraine để thực hiện kế hoạch", Cơ quan tình báo Nga nhận định.
Một số nguồn tin cho hay, Pháp và Anh đang xem xét khả năng hỗ trợ các cuộc hòa đàm của Ukraine với Nga, trong đó bao gồm triển khai lực lượng giám sát ngừng bắn.
Mục đích của việc này là chuẩn bị cho nhiều tình huống khác nhau, đảm bảo các nước châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Kiev nếu chính quyền mới của Mỹ yêu cầu sự tham gia nhiều hơn của châu Âu.
Theo Pravda
© 2024 | Thời báo ĐỨC