Thụy Điển: Người dân mang đồ hỏng đi sửa vừa được Chính phủ cho tiền, vừa giúp bảo vệ môi trường, lại giảm thất nghiệp lớn không ngờ

Hỏng đồ mang đi sửa thì được Chính phủ cho tiền thì đã lạ lùng. Lạ lùng hơn là chính sách này giúp bảo vệ môi trường và hạn chế thất nghiệp tại Thụy Điển

Thụy Điển: Người dân mang đồ hỏng đi sửa vừa được Chính phủ cho tiền, vừa giúp bảo vệ môi trường, lại giảm thất nghiệp lớn không ngờ - 0

Đan Mạch: Thiên đường cho người dân và doanh nghiệp, Thụy Điển: Thành công mỹ mãn với chế độ người lao động chỉ làm 6h/ngày, hay Phần Lan: Nền giáo dục ‘không giống ai’, cấm thi cử, bài tập nhưng học sinh vẫn giỏi giang…

Đó là những ví dụ về cuộc sống trong mơ của người dân nơi những 'xứ thiên đường' Bắc Âu. Mới đây, Thụy Điển lại vừa công bố một chính sách thuế mới, tuy khá lạ lùng, nhưng đã chứng minh sự thật không thể bàn cãi: Không nơi đâu có chế độ an sinh xã hội tốt như Bắc Âu.

Đồ hỏng, bạn chọn bỏ một đống tiền mua mới; hay mang đồ cũ đi sửa và được Chính phủ cho tiền?

Thử tưởng tượng, khi đồ dùng ở nhà bị hỏng, bạn sẽ làm gì? Tốn công mang đi sửa chữa hay mua quách thứ mới? Với những đồ dùng gia dụng bình thường, và với những người dân có thu nhập cao như ở Thụy Điển, có thể suy đoán rằng lựa chọn sẽ thiên về 'mua đồ mới'.

Vì thế, để ngăn chặn văn hóa 'cứ hỏng là bỏ đi rồi mua cái mới' của người dân, Chính phủ Thụy Điển công bố một chính sách giảm thuế mới: Thuế sẽ giảm khi người dân mang hàng hóa như quần áo, xe đạp, tủ lạnh, máy giặt… đi sửa chữa. Với sửa xe đạp và quần áo, thuế tính trên số tiền sửa xuống còn 12%. Với các mặt hàng tiêu dùng lâu bền như tivi, tủ lạnh, máy tính, người sửa còn được hoàn thuế tới 100%.

Thụy Điển: Người dân mang đồ hỏng đi sửa vừa được Chính phủ cho tiền, vừa giúp bảo vệ môi trường, lại giảm thất nghiệp lớn không ngờ - 1

Bạn sẽ không nghĩ là những đồ dùng hỏng này có thể mang tiền về cho mình!

Nói đơn giản, chính sách này có nghĩa là người Thụy Điển sẽ có 2 lựa chọn khi đồ dùng ở nhà hỏng: Hoặc tốn một đóng tiền đi mua mới, hoặc mang đồ đi sửa chữa và được Chính phủ cho tiền. Lợi ích quá rõ ràng, người dân sẽ chịu khó mang đồ đi sửa, thay vì cứ vung tiền mua thứ mới.

Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn chính phủ Thụy Điển số tiền 54 triệu USD hoàn thuế. Thế nhưng, điều này có lẽ sẽ không là gì nếu nhìn vào các mục đích mà chính sách hướng đến.

Lạ lùng nhưng lại hiệu quả tới bảo vệ môi trường, giảm thất nghiệp lớn không ngờ

Chính phủ Thụy Điển kỳ vọng rằng với chính sách này, thói quen mua sắm 'văn minh' của người dân sẽ được 'rèn giũa'.

Họ sẽ có xu hướng mua nhiều hơn những những mặt hàng chất lượng cao, rồi mang nó đi sửa nếu hỏng và được hoàn tiền thuế, hơn là mua những thứ rẻ mặt nhanh hỏng và khi hỏng thì ngay lập tức đi mua đồ mới.

Chính phủ Thụy Điển đã từng thành công trong việc hạn chế ùn tắc giao thông với kiểu chính sách tương tự. Các nhà làm chính sách từng thiết lập một mức phí đường bộ nhỏ, vào khoảng 10 – 20 krone (khoảng 1-2 USD), và bắt những người dùng phương tiện cá nhân phải đóng.

Bài toán lợi ích hiện ra rõ ràng, người dân hiểu rằng vì mình đi ngoài đường bằng phương tiện cá nhân nên đã 'góp phần' làm ùn tắc sẽ tăng lên, vì thế mình phải nộp tiền. Từ đó, họ quyết định đi phương tiện công cộng nhiều hơn và tình trạng ùn tắc đã giảm đáng kể.

Thụy Điển: Người dân mang đồ hỏng đi sửa vừa được Chính phủ cho tiền, vừa giúp bảo vệ môi trường, lại giảm thất nghiệp lớn không ngờ - 2

Bảo vệ môi trường là điều đầu tiên!

Đối với Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, ông Per Bolund, chính sách mới này còn dùng để nhắm đến 2 mục tiêu quan trọng khác là bảo vệ môi trường và hạn chế thất nghiệp.

Trước hết, người dân, do thuế sửa chữa giảm chắc chắn sẽ giảm việc đi mua những đồ dùng mới.

Về lâu dài, các hãng sản xuất sẽ phải sản xuất ít đi, từ đó ảnh hưởng đến môi trường cũng sẽ giảm tương ứng.

Đích nhắm thứ hai được nhắm đến là tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, phát triển thị trường lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Lý luận của Chính phủ là giờ đây, máy móc đã hoàn toàn thay thế con người trong quá trình sản xuất ở Thụy Điển, vì thế các công việc dành cho con người cũng ít đi rất nhiều. Tuy nhiên, với những hàng hóa hỏng cần sửa chữa, con người vẫn phải đụng tay vào phần lớn.

Thụy Điển: Người dân mang đồ hỏng đi sửa vừa được Chính phủ cho tiền, vừa giúp bảo vệ môi trường, lại giảm thất nghiệp lớn không ngờ - 3

Đích nhắm thứ hai là giảm thất nghiệp

Chính phủ Thụy Điển cũng nhận ra rằng các công việc sửa chữa này chỉ yêu cầu những người lao động có trình độ tay nghề mà không cần trình độ học vấn cao - một đối tượng dễ bị nguy cơ thất nghiệp trong xã hội.

Kết hợp những thứ này với nhau, Thụy Điển có một lời giải rất “sáng” cho bài toán thất nghiệp:

Đó là người dân sẽ mang đồ đi sửa nhiều hơn tại các cơ sở sửa chữa địa phương, nơi có những người không có trình độ học vấn cao làm việc.

Cuối cùng, câu chuyện thất nghiệp ở các đối tượng này chắc chắn sẽ giảm bớt.

Hiện nay ở Thụy Điển, các nhà máy sửa chữa quy mô mới chỉ tập trung ở những thành phố lớn và chính điều này đã giúp cho kế hoạch giảm thất nghiệp trên của Chính phủ nước này khả thi hơn. Chắc chắn bạn sẽ chỉ muốn đi vài bước chân là đến được chỗ sửa đồ, chứ không phải đi vài trăm km chỉ để sửa một đồ bé tẹo.

Vì thế, cơ hội cho các cơ sở sửa chửa nhỏ lẻ ở các thành phố nhỏ, các thị trấn, và sau đó là cho những người đang thất nghiệp sẽ rất lớn.

Trong tương lai, Chính phủ Thụy Điển dự định phổ biến các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tới khắp các thôn xóm nhỏ nằm tại đất nước Bắc Âu này.

Theo: cafef.vn

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày