"Giới chức Mỹ đã nói họ sẽ ủng hộ dự luật trừng phạt Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Tôi từng nghĩ Mỹ vẫn giữ lập trường này, vì họ đã đạt đồng thuận lưỡng đảng vài ngày trước", Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 29/5 nói trong cuộc phỏng vấn với Sirius XM, hãng truyền thông có trụ sở tại New York.
Tuần trước, chính phủ Mỹ lên tiếng phản đối việc công tố viên trưởng ICC Karim Khan xin lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc "gây ra cuộc tàn sát, ngược đãi, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, chặn viện trợ nhân đạo và cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột" tại Dải Gaza.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson phản đối ICC xin lệnh bắt quan chức Israel, cho rằng cơ quan này không có thẩm quyền với Israel. Ông tuyên bố quốc hội Mỹ đang xem xét mọi phương án, trong đó có lệnh trừng phạt.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp nội các ở Tel Aviv ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng chiến dịch của Tel Aviv ở Dải Gaza là "diệt chủng" và chỉ trích công tố viên ICC. Nhà Trắng tuyên bố sẽ hợp tác với quốc hội để thúc đẩy "biện pháp phản ứng lưỡng đảng" với quyết định của ông Khan, nhưng không ủng hộ lệnh trừng phạt nhắm vào ICC.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang thảo luận xây dựng dự luật trừng phạt thành viên cấp cao trong ICC, theo tiết lộ ngày 22/5 từ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul với Axios. Dự luật có cơ hội được Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua, nhưng nhiều khả năng bị chặn ở Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 28/5 không cho rằng trừng phạt ICC là phương án phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các nghị sĩ Dân chủ ở lưỡng viện cũng ủng hộ phản ứng ICC, nhưng lo ngại lệnh trừng phạt là cách đáp trả trên mức cần thiết.
"Giờ đây, họ lại đặt dấu hỏi về dự luật. Thật sự, tôi cảm thấy ngỡ ngàng và thất vọng", ông Netanyahu nói, đề cập đến phản ứng của Mỹ với ICC.
Công tố viên Khan hôm 20/5 thông báo cũng đã xin lệnh bắt ba thủ lĩnh Hamas đã gây ra "tàn sát, giết người, bắt cóc con tin, hãm hiếp và tấn công tình dục, tra tấn, đối xử tàn bạo tù nhân" liên quan vụ tấn công Israel vào ngày 7/10/2023.
Trong cuộc phỏng vấn với Sirius XM, ông Netanyahu phản bác cáo buộc từ công tố viên ICC, phủ nhận chính phủ Israel cố tình ngăn cản viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza.
"Chúng tôi đã chuyển vào Dải Gaza nửa triệu tấn thực phẩm và thuốc men. Khu vực đã nhận rất nhiều lương thực, ước tính mỗi người 3.000 calo, trên tiêu chuẩn khoảng 1.000 calo", ông nói.
Netanyahu nói kẻ thù của Israel trong xung đột tại Dải Gaza là dân quân Hamas chứ không phải dân thường Palestine. Ông cũng khẳng định Israel đang "nỗ lực vượt sức mình" để giảm thương vong dân thường, trong đó có "hàng triệu" tin nhắn, tờ rơi và cuộc gọi thông báo sơ tán dân thường khỏi vùng giao tranh.
Tuy nhiên, Israel đang hứng nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì thương vong dân thường quá lớn trong chiến dịch tấn công Gaza, đặc biệt là sau vụ không kích vào trại tị nạn ở Rafah khiến ít nhất 45 người chết và 249 người bị thương. Thủ tướng Netanyahu thừa nhận đây là "sai lầm bi thảm" của quân đội Israel.
Chiến sự Gaza bùng phát khi Hamas tấn công miền nam Israel hôm 7/10/2023, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng. Hamas cũng bắt hơn 250 con tin từ Israel, khoảng 120 người vẫn ở Dải Gaza và hàng chục người người trong số đó được xác nhận đã thiệt mạng.
Israel đã mở chiến dịch quân sự đáp trả ở Dải Gaza và đang tiến đánh Rafah, nơi nước này nói là thành trì cuối cùng của Hamas. Theo cơ quan y tế Dải Gaza, cuộc tấn công của Israel khiến ít nhất 36.096 người thiệt mạng ở dải đất, chủ yếu là dân thường.
Thanh Danh (Theo Politico, Times of Israel)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC