Mỹ xem xét chiến lược đánh chặn tên lửa Triều Tiên
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc 2 chiến lược thử nghiệm để ngăn chặn cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên nhằm vào lãnh thổ Mỹ, theo New York Times.
Cách tiếp cận thứ nhất liên quan tới việc tăng cường các cuộc tấn công mạng và những hành động phá hoại khác có thể can thiệp vào các vụ phóng tên lửa. Cách tiếp cận thứ hai là cho nổ tung tên lửa đang ở “giai đoạn đẩy”, khi chúng là các mục tiêu có tốc độ di chuyển chậm và dễ bị phát hiện.
Một tên lửa đánh chặn THAAD được phóng ra từ Tổ hợp Không gian Thái Bình Dương ở Kodiak, Alaska vào ngày 11/7/2017 (Ảnh: Leah Garton, Cục Phòng thủ Tên lửa)
Nhà Trắng đã đề nghị Quốc hội giải ngân khoản ngân sách 4 tỷ USD để thực hiện các chiến lược thí nghiệm trên. Trước đó, Quốc hội đã cấp 8 tỷ USD cho Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ.
Các động thái trên diễn ra sau khi Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và liên tiếp phóng tên lửa, bao gồm 2 quả lên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng trong tháng 7 được cho là có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, trong đó có Los Angeles và Chicago.
Tàu chiến Mỹ đâm phải tàu thương mại Nhật Bản
Một tàu chiến của Mỹ mới va chạm với tàu thương mại Nhật Bản tại Vịnh Sagami hôm 18/11. Đây là lần va chạm thứ 5 của một tàu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương, theo ABC News.
Tàu khu trục USS Benfold. (Ảnh: AP)
Tàu khu trục USS Benfold đã đâm vào tàu Nhật Bản trong một cuộc diễn tập và chịu thiệt hại nhẹ. Hạm đội 7 của Mỹ đang điều tra tình hình thiệt hại.
Ngày 21/8 vừa qua, tàu khu trục USS John McCain đã va chạm với tàu thương mại ở vùng biển Singapore khiến 10 thủy thủ thiệt mạng.
Nhật Bản hối thúc các bên đẩy nhanh việc ký kết CPTPP
Theo Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, để hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước cần thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận này trước khi diễn ra các cuộc bầu cử chính trị.
Ông Motegi cho biết năm 2018 sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử của các nước, và sẽ có những thay đổi trong các chính phủ, chính vì vậy các nước cần ký thỏa thuận CPTPP sớm hơn. Dù ông Motegi không nêu tên cụ thể bất cứ quốc gia thành viên nào của hiệp định này, nhưng Malaysia sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào giữa năm 2018, còn Mexico cũng dự kiến tiến hành bầu cử vào tháng Bảy năm sau.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia chiếm khoảng 40% GDP kinh tế toàn cầu.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC