Chính quyền Trump lên án Trung Quốc về bảo hộ thương mại
Một quan chức cao cấp của chính quyền Trump đã cáo buộc Bắc Kinh thực thi chủ nghĩa bảo hộ dưới hình thức tự do thương mại, góp thêm căng thẳng vào Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ áp đặt mức thuế lớn đối với pin mặt trời và máy giặt của Trung Quốc, theo tạp chí Phố Wall (WSJ).
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói với một nhóm thảo luận thương mại hôm thứ Tư ở Davos, Thụy Sĩ: “Trung Quốc tỏ ra cao cả khi nói về tự do thương mại, và họ thậm chí còn tỏ ra cao cả hơn về hoạt động bảo hộ. Ông Ross tiếp tục đổ lỗi cho cả Bắc Kinh và Liên minh châu Âu khi hưởng lợi bất công từ việc áp dụng mức thuế cao hơn.
Bình Nhưỡng kêu gọi thống nhất bán đảo Triều Tiên
Sáng sớm thứ Năm, Bắc Triều Tiên gửi một thông báo hiếm hoi kêu gọi “tất cả người Triều Tiên ở trong và ngoài nước” nên tạo ra một bước đột phá để thống nhất mà không cần sự trợ giúp của các nước khác, theo Reuters.
Bản thông báo kêu gọi tất cả người dân có gốc gác từ bán đảo Triều Tiên (gồm Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên – tức Hàn Quốc) cần “thúc đẩy liên lạc, du lịch, hợp tác giữa Bắc và Nam Triều Tiên”. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ “đập tan” tất cả những thách thức chống lại sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng kêu gọi thống nhất trên bán đảo Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Hàn Quốc đề nghị những người đào thoát Triều Tiên giữ im lặng
Chính phủ Hàn Quốc đề nghị những người đào tẩu Triều Tiên nổi tiếng như ông Thae Yong-ho không đưa ra lời chỉ trích công khai về Bình Nhưỡng trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào tháng 2, theo Asia Times đưa tin vào sáng sớm thứ Năm.
Ông Thae là phó đại sứ của CHDCND Triều Tiên tại Anh cho đến năm 2016, khi ông đào thoát tới Hàn Quốc để giải cứu các con trai của ông khỏi “một cuộc đời như tôi, một nô lệ thời hiện đại”.
Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Yêu cầu này bề ngoài được đưa ra xuất phát từ mối lo ngại cho sự an toàn của họ, nhưng nghe giống như một cảnh báo rằng không nên đổ một gáo nước lạnh vào sự kiện này.”
Cựu phó đại sứ Triều Tiên Thae Yong Ho (Ảnh: Wikipedia)
Mỹ trừng phạt các cơ sở hỗ trợ tài chính của Triều Tiên
Hoa Kỳ hôm thứ Tư áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 6 chiếc tàu của Bắc Triều Tiên, 16 cá nhân và 9 công ty mà Mỹ khẳng định đã tạo điều kiện cho các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, theo Washington Post.
Các biện pháp trừng phạt là một phần trong chiến lược của chính quyền Trump nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên vào từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Nhiều đối tượng bị trừng phạt có hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc, nhưng cũng có ở Nga, theo WSJ.
Cũng trong hôm thứ Tư, bà Sigal Mandelker, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ về chống khủng bố và tội phạm tài chính, kêu gọi các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh tuân thủ các nghĩa vụ của Liên Hợp Quốc về các lệnh trừng phạt nhằm loại bỏ “các cơ sở hỗ trợ tài chính” của Triều Tiên.
Tổng thống Pháp kêu gọi kiểm soát ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos hôm thứ Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một “hiệp ước toàn cầu” để kiểm soát những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hoá, theo Reuters.
Ông Macron nói: “Nếu chúng ta không thể thống nhất được một tiêu chuẩn hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ không bao giờ thuyết phục được tầng lớp trung lưu, giai cấp công nhân rằng toàn cầu hóa là tốt cho họ.”
Ông cũng nói rằng một châu Âu mạnh mẽ hơn là “chìa khóa tuyệt đối” để tránh “sự phân mảnh của thế giới”.
Đại Kỷ Nguyên
© 2024 | Thời báo ĐỨC