Giới chức Syria vẫn án binh bất động một cách rõ ràng suốt hơn một năm qua, giữa lúc xung đột giữa Israel và các nhóm vũ trang thân Iran leo thang khắp Trung Đông. Cuộc nội chiến vẫn âm ỉ, đất nước gặp nhiều thách thức và các bên ủng hộ như Nga, Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon đang vướng vào những xung đột khác, khiến Syria phải ẩn mình nhằm phòng ngừa rủi ro.
Các nhóm phiến quân, dẫn đầu là Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), ngày 29/11 bất ngờ tấn công và kiểm soát thành phố Aleppo lớn thứ hai Syria chỉ sau 48 giờ. Chiến dịch của phiến quân đã phơi bày đáng kể tình trạng bất ổn tại Syria, khả năng kiểm soát mong manh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và quy mô bất đồng nội bộ.
"Chính quyền Tổng thống al-Assad đang cực kỳ dễ bị tổn thương. Mọi người đang chờ xem liệu chính phủ Syria có thể huy động được lực lượng và đồng minh để đẩy lùi phiến quân hay không", Haid Haid, chuyên gia tại viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, nhận định.
Damascus đang lâm vào tình thế khó khăn, khi Tel Aviv nhiều lần không kích những mục tiêu bị cáo buộc là cơ sở của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm dân quân thân Tehran trên lãnh thổ Syria trong hơn một năm qua. Israel cũng công khai cảnh báo đang nhắm tới chính phủ Syria và buộc họ chọn bên.
Xe phiến quân (trái) và xe tăng quân chính phủ Syria bỏ lại ở ngoại ô thành phố Aleppo ngày 1/12. Ảnh: AP
Một số chuyên gia nhận định chính quyền Tổng thống al-Assad gần đây "có thể nhận thấy cơ hội giành lại mức độ tự chủ nhất định từ các bên hậu thuẫn", do nhiều quốc gia Arab và một số cường quốc châu Âu đang cân nhắc tái công nhận lãnh đạo Syria.
Điều này cho thấy nội chiến Syria đang dần tới hồi kết kể từ khi bùng phát năm 2011, ông al-Assad vẫn tại vị và đây là thời điểm thích hợp để quốc gia Trung Đông giải quyết những vấn đề quốc tế như người tị nạn, buôn bán ma túy.
"Tuy nhiên, cuộc tấn công chớp nhoáng của phiến quân cho thấy chính phủ Syria vẫn phải phụ thuộc vào Nga, Iran và các nhóm vũ trang thân Tehran nếu muốn ngăn chặn mối đe dọa trong nước", biên tập viên Raya Jalabi và Andrew England của tờ Financial Times nhận định.
Quân đội Syria và lực lượng ủng hộ đã nhanh chóng tan rã sau khi liên minh phiến quân do HTS dẫn đầu tấn công thành phố Aleppo. Quân chính phủ Syria ngày 1/12 tái tập hợp trong lúc tiêm kích nước này và Nga ném bom các vị trí phiến quân ở Aleppo và Idlib, tỉnh tây bắc đóng vai trò thành trì của HTS.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết cảm giác mất tinh thần và tuyệt vọng sau 13 năm nội chiến đã lan truyền từ người dân sang binh sĩ Syria. Charles Lister, chuyên gia thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra rằng các đơn vị quân chính phủ Syria hiện "chỉ biết rút lui, bỏ vị trí hoặc vỡ đội hình".
Nền kinh tế Syria nhiều năm qua đứng bên bờ vực sụp đổ vì các khoản nợ nước ngoài chưa thể thanh toán, loạt lệnh trừng phạt của phương Tây và hệ thống ngân hàng ở Lebanon tê liệt. Trong nhiều năm, Lebanon từng là thiên đường của các doanh nhân Syria.
Chuyên gia kinh tế Jihad Yazigi nhận định người dân Syria trong 5 năm qua đã nghèo đi nhiều, chính phủ gần như không thể giúp họ cải thiện cuộc sống. Syria còn đối mặt loạt vấn đề liên quan đến chính sách đất đai và thuế trong lúc nền kinh tế suy thoái.
Điều này khiến không ít người phản đối chính quyền Tổng thống al-Assad, trong đó có nhóm thiểu số Alawite vốn trung thành với ông. "Nhiều người cảm thấy tức giận vì tình hình sau nhiều năm thậm chí còn tệ hơn trước", Yazigi nói, nhận định tình trạng mất tinh thần đang lan rộng khắp các cơ quan chính phủ Syria.
Vị trí thành phố Aleppo. Đồ họa: AP
Syria gần đây đưa ra nhiều nỗ lực nhằm chuyên nghiệp hóa quân đội, song Yazigi cho rằng động thái này "quá ít và quá muộn". Tinh thần binh sĩ vẫn ở mức thấp khi nhiều người bị buộc nhập ngũ và chịu ảnh hưởng nặng nề vì trợ cấp bị cắt giảm.
"Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ làng mạc và thị trấn của mình, nhưng không chắc lực lượng người Alawite có sẵn sàng chiến đấu để giành lại Aleppo hay không. Tôi cảm thấy không còn lý do để ủng hộ chính phủ", một người thuộc cộng đồng Alawite tuyên bố.
Giới chuyên gia nhận định cảm giác tuyệt vọng càng trở nên sâu sắc hơn khi chính phủ Syria dường như không muốn thỏa hiệp với phe đối lập, dù Nga hối thúc họ tham gia đàm phán.
Sau trận động đất tháng 2/2023, một số quốc gia Arab và châu Âu tìm cách nối lại quan hệ với chính phủ Syria. Italy hồi tháng 7 mở lại đại sứ quán tại Damascus, gia nhập danh sách các nước châu Âu khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria.
Một số quốc gia Arab, trong đó có những bên ban đầu ủng hộ phe đối lập tại Syria, cũng tìm cách nối lại quan hệ với nước này. Arab Saudi năm ngoái dẫn đầu động thái đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab sau khi nước này bị khai trừ tháng 11/2011.
Nhiều bên hy vọng chính quyền Syria sẽ tham gia nỗ lực chống nạn buôn bán ma túy vốn gây bất ổn toàn khu vực, cũng như tạo ra môi trường an toàn để người tị nạn hồi hương. Tuy nhiên, Syria vẫn không đạt được tiến triển đáng kể trong những vấn đề này.
Phiến quân trên xe bán tải ở phía đông thành phố Aleppo, Syria ngày 1/12. Ảnh: AFP
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ một số nhóm đối lập tại Syria, cũng bày tỏ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng. Tuy nhiên, Tổng thống al- Assad đã từ chối đề nghị này.
Theo các quan chức Iraq làm trung gian đàm phán, chính phủ Syria từ chối nhượng bộ về vấn đề người tị nạn, một trong những đề tài nóng trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, quân chính phủ Syria tấn công tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát, đẩy thêm hàng nghìn người qua biên giới tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp nhận khoảng ba triệu người tị nạn.
Nhiều chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với chiến dịch do phiến quân HTS dẫn đầu, song có thể hưởng lợi từ điều này và giành được nhiều đòn bẩy hơn trong những cuộc đàm phán tương lai.
Giới lãnh đạo Syria dường như coi nhượng bộ là biểu hiện của sự yếu kém. Cuộc tấn công của phiến quân đã cho thấy chính phủ Syria phụ thuộc thế nào vào Nga, Iran và các nhóm vũ trang thân Tehran, cũng như vai trò của những thế lực bên ngoài lớn đến đâu tại Syria.
Nga, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cam kết hỗ trợ chính phủ Syria. Giải pháp ngoại giao có lẽ là lối thoát duy nhất cho giới chức Syria nếu bị dồn vào chân tường, dù họ từng từ chối điều này. "Tổng thống al-Assad có thể tiếp tục tại vị, song về lâu dài sẽ phải chia sẻ quyền lực với phe đối lập", Abdeh nêu quan điểm.
Nguyễn Tiến (Theo FT, AFP, AP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC