Quân đội Mỹ ngày 24/1 cho biết 80 trong số 120 binh sĩ đóng tại căn cứ trên đảo Roi-Namur, thuộc chuỗi đảo Kwajalein của Quần đảo Marshall, phải sơ tán khi những đợt sóng khổng lồ tràn vào cơ sở. Căn cứ trên đảo Roi-Namur là nơi Mỹ triển khai một số tổ hợp theo dõi tên lửa và không gian tinh vi nhất của nước này.
Video được công bố vào cuối tuần trước cho thấy trận sóng lớn đánh tung cửa rồi tràn vào bên trong một công trình tại căn cứ, làm một số binh sĩ và nhân viên quốc phòng ngã, cả khu vực bị mất điện. Một người trong video nói rằng nước dâng cao ít nhất 1,5 m.
Sóng lớn nhấn chìm căn cứ trọng yếu của Mỹ trên đảo tiền tiêu
Sóng lớn ập vào công trình của quân đội Mỹ trên đảo Roi-Namur ngày 20/1. Video: Worldmaverik
Quân đội Mỹ đã cử một đội gồm 60 nhân sự đánh giá thiệt hại và khôi phục các dịch vụ cơ bản tại căn cứ trên đảo Roi-Namur. Ảnh chụp từ trên không cho thấy hạ tầng trên hòn đảo hư hại nặng nề sau trận sóng lớn, nhiều khu vực vẫn ngập nước.
Theo quân đội Mỹ, trận sóng lớn làm hư hại phần lớn công trình trên đảo Roi-Namur, khu xưởng máy vẫn chìm trong nước. Một số cơ sở phục vụ ăn uống trên đảo chịu thiệt hại từ trung bình đến nặng.
"Dọn dẹp đường băng trên đảo Roi-Namur và đánh giá mức độ an toàn của công trình là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", đại tá Drew Morgan, chỉ huy lực lượng đồn trú trên đảo, cho biết. "Sau khi mở lại đường băng, chúng tôi mới có thể chuyển nhân lực và thiết bị tới để bắt đầu quá trình khôi phục hoạt động của cơ sở".
Đảo Roi-Namur trong ảnh công bố ngày 24/1. Ảnh: US Army
Đại tá Morgan nhận định trận sóng lớn gây ra thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử 80 năm của căn cứ trên đảo Roi-Namur. Ông Morgan cũng cảnh báo tiến trình khôi phục hoạt động của căn cứ có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Quần đảo Marshall là quốc đảo nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, bao gồm 29 chuỗi đảo san hô và 5 hòn đảo. Roi-Namur ban đầu là hai thực thể riêng biệt, nhưng được công binh hải quân Mỹ bồi đắp, cải tạo thành một đảo từ năm 1944.
Roi-Namur là nơi Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ chọn làm địa điểm tổ chức thử nghiệm radar.
Quần đảo Marshall và các quốc gia lân cận. Đồ họa: Britannica
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC