Sao Chính phủ Pháp lại sụp đổ nữa?

8h tối 5-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên truyền hình nói chuyện với các công dân. Ngay câu đầu, ông tóm tắt tình hình đôi co giữa hành pháp và lập pháp.

1 Sao Chinh Phu Phap Lai Sup Do Nua

Biểu tình ở Toulouse, miền nam nước Pháp, nhằm phản đối cắt giảm chi phí khu vực công, ngày 5-12 - Ảnh: AFP

"Hôm qua Quốc hội đã bỏ phiếu đa số tuyệt đối bác bỏ ngân sách an sinh xã hội và qua đó đã bất tín nhiệm chính phủ Michel Barnier. Hôm nay Thủ tướng đã đệ đơn từ chức của ông và chính phủ của ông ấy và tôi chứng thực điều đó... Tôi muốn cảm ơn ông Michel Barnier..." - ông Macron nói.

Ông Macron không luyến tiếc

Không có một chút quyến luyến hay tiếc rẻ gì từ phía ông Macron. Đơn giản hai ông đâu có chung một đảng! Ông Barnier, hồi năm 2021, đã từng ra tranh cử nội bộ ứng viên tổng thống của Đảng Những người cộng hòa, còn ông Macron là thủ lĩnh của Cùng nhau vì nền cộng hòa.

Lần đó, ông Barnier đã lớn tiếng: "Tôi đã quyết định ra ứng cử tổng thống vào tháng 4 năm tới để truyền tải dự án "một nước Pháp đã hòa giải"".

Còn nhớ hôm 5-9, ông Barnier được ông Macron bổ nhiệm làm thủ tướng thay thế ông Gabriel Attal từ chức vào trung tuần tháng 7. Bản danh sách chính phủ đầu tiên của ông tân thủ tướng đã bị ông tổng thống từ chối, cho rằng đó không phải là "một chính phủ đoàn kết và đoàn kết dân tộc".

Lúc đó theo thông tin được Đài BFMTV đăng tải hôm 19-9, đã có những tin đồn "liệu Michel Barnier có thể bỏ cuộc?". Sau một vài điều chỉnh, rốt cuộc tân Thủ tướng Barnier cũng ra mắt được chính phủ của mình.

Nhắc lại câu chuyện ông cựu Thủ tướng Barnier để thấy rằng trong một số xã hội, chuyện cùng tồn tại trong một chính phủ giữa những người thuộc đảng phái khác nhau là chuyện bình thường. Bình thường trong ý nghĩa sau: Chúng tôi không đủ phiếu để tự thành lập chính phủ, tôi bèn mở ngỏ chính phủ, mỗi bên bảo vệ lập trường của mình.

Đài Radio France bình luận trường hợp nội các của ông Macron sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 9 năm nay như sau: Một thỏa thuận "sống chung" tạm thời giữa một tổng thống suy yếu và một thủ tướng mong manh.

Ngân sách và ý dân trong một xã hội

Trong tinh thần độc lập đó, ông Barnier đã cho vạch ra dự thảo ngân sách 2025 cùng dự thảo Luật ngân sách an sinh xã hội. Ngày 14-10-2024, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Antoine Armand và Bộ trưởng chịu trách nhiệm về Ngân sách và Tài khoản công Laurent Saint-Martin đã trình dự luật tài chính năm 2025. Mục đích là nhằm khôi phục tài sản công, giảm thâm hụt công xuống 5% GDP kể từ năm 2025, với mục tiêu trở lại dưới 3% vào năm 2029.

Được biết do tác động của dịch COVID-19, các chính phủ tiền nhiệm đã phải "vung tay quá trán" để đối phó đại dịch này và sau đó để trợ giúp cả lĩnh vực công và các cơ sở và cá nhân khôi phục kinh tế. Nay từ năm 2025 tới, ngân sách sẽ chi, thu "tỉnh táo" trở lại.

Dự thảo Kế hoạch ngân sách 2025 (PLF 2025) nêu rõ mục tiêu: "Nỗ lực ngân sách lớn, tiết kiệm tới 60 tỉ euro. Các biện pháp hợp nhất sẽ chủ yếu tập trung vào chi tiêu, vốn trong năm 2024 chiếm gần 57% GDP ở Pháp so với mức trung bình dưới 50% ở tất cả các nước châu Âu.

Trong số 60 tỉ euro tiền tiết kiệm được thực hiện, hai phần ba (tức là khoảng 40 tỉ euro) sẽ được thúc đẩy bởi các biện pháp giảm chi tiêu công..., an sinh xã hội".

Theo dự thảo, mức giảm này thể hiện mong muốn của Chính phủ Pháp trong việc đảm bảo phục hồi tài chính công. Sự phát triển này, trong bối cảnh được đánh dấu bởi dự báo lạm phát +1,8% vào năm 2025 việc giảm chi này sẽ được thực hiện bởi bộ máy nhà nước, các cơ quan hành chính địa phương, các tổ chức địa phương...

Sau khi dự thảo được thông qua trong hội đồng chính phủ xong thì được chuyển qua quốc hội.

Hợp hiến mà thiếu tôn trọng dân

Tờ La Croix ngày 10-10-2024 viết: "Việc trình bày Dự thảo kế hoạch ngân sách năm 2025 vào hôm 10-10 tại Hội đồng Bộ trưởng đã khởi động cuộc chạy đua marathon của quốc hội.

Hiến pháp cho phép các đại biểu và thượng nghị sĩ xem xét văn bản trong 70 ngày nhưng các cuộc tranh luận có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào nếu chính phủ sử dụng đến điều khoản 49.3 sẽ làm leo thang căng thẳng chính trị và gần như đảm bảo một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong những ngày tới".

Điều khoản 49.3 của Hiến pháp cho phép chính phủ thông qua một dự thảo luật mà không cần có sự chấp thuận của quốc hội. Cảnh cáo của tờ La Croix đã diễn ra hôm 2-12-2024 khi Thủ tướng Michel Barnier đã viện dẫn điều 49.3 này để thông qua dự thảo các biện pháp ngân sách gây tranh cãi mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Và ông đã sụp đổ, phải từ chức!

Điều này đã từng xảy ra vào đầu năm nay với nữ Thủ tướng Élisabeth Borne khi bà nhất mực viện dẫn điều 49.3 này để ban hành cho bằng được đạo luật cải cách hưu trí bị phản đối từ năm ngoái.

Tháng 12 năm ngoái, sau khi Thượng viện Pháp - mà đa số là cánh hữu - bác dự luật tài chính năm 2023 do chính phủ đưa qua quốc hội, nữ Thủ tướng Borne đã 10 lần đứng trước quốc hội, viện dẫn điều 49.3, tuyên bố chịu trách nhiệm về dự luật tài chính này và ban hành nó.

Bà Borne đã sụp đổ vì sử dụng điều 49.3, ông Barnier cũng đã sụp đổ vì điều 49.3. Đơn giản không chỉ vì điều khoản này "có huông" mà vì điều khoản này, cho dù được ấn định trong hiến pháp, nếu được sử dụng bất chấp mọi phản đối của xã hội, đứng đầu là quốc hội, sẽ quật lại người sử dụng điều khoản đó.

Không phải chính phủ Barnier sụp đổ vì "thắt lưng buộc bụng", mà vì không lắng nghe công luận, không tôn trọng quốc hội, muốn sử dụng đặc quyền rất hợp hiến, mà sụp đổ là do tự quyết theo ý mình.

DANH ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày