Một nhóm người đàn ông đã giương cao lá cờ của lực lượng đối lập tại đại sứ quán Syria ở thủ đô Moskva của Nga, một ngày sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ ở Damascus.
“Hôm nay, đại sứ quán đã mở cửa và hoạt động bình thường dưới lá cờ mới,” một đại diện của đại sứ quán Syria nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.
Việc lá cờ của phe đối lập Syria được kéo lên ở đại sứ quán nước này tại Moskva có thể là chỉ dấu cho thấy có thể Kremlin đã công nhận phe đối lập.
Trước đó, TASS dẫn nguồn tin của Điện Kremlin nói rằng Moskva đã đồng ý cấp đơn xin tị nạn cho ông al-Assad vì lý do nhân đạo, đồng thời nói thêm rằng ông này sẵn sàng chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Nhà lãnh đạo Syria bị phế truất al-Assad đã chạy trốn tới Moskva, vài giờ sau khi lực lượng đối lập giành quyền kiểm soát đất nước Trung Đông này và chấm dứt 53 năm cai trị của gia tộc Assad.
Lãnh đạo của nhóm vũ trang đối lập chính của Syria, Abu Mohammed al-Julani, đã nói rằng người dân Syria là "chủ sở hữu hợp pháp" của đất nước sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, và tuyên bố "một lịch sử mới" đã được viết cho toàn bộ Trung Đông.
Đến Damascus chỉ vài giờ sau khi nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) chiếm được thủ đô, nhà lãnh đạo này đã có bài phát biểu chiến thắng tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad.
Al-Julani trước đây từng lãnh đạo chi nhánh Syria của al-Qaeda, Mặt trận al-Nusra, trước khi tách mình khỏi nhóm này.
Tuy nhiên, HTS vẫn bị Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm "khủng bố" và bị các nhóm nhân quyền cáo buộc đã thực hiện các hành vi lạm dụng ở Idlib, nơi nhóm này kiểm soát phần lớn tỉnh này kể từ năm 2017.
Al-Julani và HTS đã tìm cách thay đổi nhận thức đó, tập trung vào thông điệp đoàn kết kể từ khi bắt đầu tổng tấn công lực lượng chính phủ.
Khi chế độ của ông al-Assad sụp đổ hôm 8/12, hàng ngàn người Syria đã đổ ra đường, reo hò ăn mừng bằng trong cảnh tượng gợi nhớ đến những ngày đầu của cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab, trước khi chính quyền Syria đàn áp phe đối lập, đẩy đất nước vào cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ.
Cuộc chiến ở Syria, bùng nổ vào năm 2011 dưới hình thức cuộc nổi loạn chống lại chế độ của ông al-Assad, đã nhanh chóng biến thành một cuộc xung đột toàn diện kéo theo sự can thiệp của các thế lực nước ngoài.
Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng trong khi hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới./.
Nguồn: Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC