Hôm 2-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổng duyệt lễ duyệt binh của quân đội Pháp nhân sự kiện Quốc khánh Pháp ngày 14-7 sắp tới tại thủ đô Paris. Đây là sự kiện đã được lên kế hoạch trước - Ảnh: AFP
Ngoại trừ các hoạt động đã lên kế hoạch trước đó, đương kim tổng thống Pháp đã không xuất hiện trước công chúng trong gần 2 tuần.
Đây là lần đầu tiên phe trung dung của ông Macron - vốn đã mất ưu thế sau thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6 - phải tham gia một cuộc chiến với tỉ lệ thất bại cao mà không có người lãnh đạo đồng hành.
Ông Macron được vận động tránh xa chiến dịch tranh cử
Một cử tri Pháp đứng bên cạnh hình ảnh của các ứng cử viên RN trong chiến dịch bầu cử ngày 2-7 - Ảnh: AFP
Theo báo Politico, các đồng minh của ông Macron không muốn ông tham gia chiến dịch tranh cử, thậm chí hình ảnh của tổng thống Pháp còn bị xóa khỏi các ấn phẩm vận động tranh cử.
“Ông ấy được yêu cầu dừng (vận động tranh cử)... Thật ra không phải ông ấy nghe theo đề nghị của chúng tôi, mà là ông ấy buộc phải làm theo”, một quan chức đề nghị không nêu tên thuộc liên minh trung dung của ông Macron tiết lộ.
Những tuần vừa qua, một số quan chức chủ chốt của phe ông Macron cũng vận động đương kim tổng thống Pháp tránh xa chiến dịch tranh cử.
Một bộ trưởng Pháp thậm chí còn thừa nhận trên truyền hình rằng hình ảnh của Tổng thống Macron đã “nhạt phai” thời gian gần đây.
Giới quan sát quốc tế nhận định ông Macron đang chuẩn bị cho những chiến lược tiếp theo để lãnh đạo nước Pháp sau thất bại ở vòng bỏ phiếu quốc hội đầu tiên hôm 30-6.
Đương kim tổng thống Pháp nhiều khả năng sẽ cùng điều hành quốc gia với Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen - phe được dự đoán sẽ chiếm phần đông nhất trong quốc hội.
Không hoàn toàn bị động, ông Macron những ngày qua bận rộn củng cố sức ảnh hưởng thông qua việc bổ nhiệm một số quan chức cấp cao tại Pháp và thúc đẩy các đồng minh nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở Brussels, Bỉ (trụ sở chính của Liên minh châu Âu).
Cụ thể, ngày 3-7, phát ngôn viên của Chính phủ Pháp công bố danh sách những quan chức mới được bổ nhiệm trong lực lượng cảnh sát và an ninh. Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng bổ nhiệm hàng chục quan chức cấp cao trong quân đội, hải quân và không quân.
Những động thái trên của ông Macron khiến bà Le Pen cáo buộc ông đang tiến hành một “cuộc đảo chính hành chính”.
Giữ vai trò đảm bảo sự ổn định của các thể chế Pháp
Tổng thống Pháp hôn lên trán một em bé trong buổi giao lưu với những người ủng hộ ông sau cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên ngày 30-6 - Ảnh: AFP
Báo Politico dẫn lời một số quan chức giấu tên tiết lộ Tổng thống Macron đang xem xét nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm chiến thắng vang dội của phe cực hữu, quốc hội treo và một liên minh không bao gồm phe cực hữu.
Trong kịch bản RN giành được đa số phiếu bầu sau vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7-7, ông Macron sẽ phải đối mặt với áp lực khi đề cử chủ tịch RN Jordan Bardella làm tân thủ tướng.
Ngược lại, nếu phe cực hữu không giành được đa số, ông Macron sẽ phải tham gia vào các cuộc đàm phán liên minh kéo dài với các đối thủ cảnh tả và cánh hữu hiện tại để hình thành một chính phủ liên hiệp.
“Ông ấy (Tổng thống Macron) sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò dẫn dắt để đảm bảo sự ổn định của các thể chế Pháp”, một quan chức giấu tên nói.
KHÁNH QUỲNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC