Ông Biden ký sắc lệnh ngừng bán dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho Trung Quốc, Nga

Sắc lệnh yêu cầu Bộ Tư pháp tìm cách hạn chế việc bán dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga.

1 Ong Biden Ky Sac Lenh Ngung Ban Du Lieu Ca Nhan Nhay Cam Cho Trung Quoc Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 28-2 - Ảnh: AFP

Theo báo New York Times (NYT), động thái của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn thông tin cá nhân bị thu thập nhằm tống tiền, lừa đảo hoặc các mục đích xấu khác.

Tổng thống Mỹ yêu cầu Bộ Tư pháp soạn các quy định hạn chế bán thông tin về địa điểm, sức khỏe và di truyền của người Mỹ cho 6 quốc gia gồm: Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, Cuba và Venezuela, cũng như bất kỳ thực thể nào liên quan những nước này.

Các hạn chế cũng bao gồm thông tin tài chính, dữ liệu sinh trắc học và các loại thông tin khác dùng để nhận dạng cá nhân và thông tin nhạy cảm liên quan đến chính phủ.

Nhà Trắng cho rằng loại dữ liệu nhạy cảm này có thể được dùng để tống tiền, "đặc biệt đối với người trong quân đội hoặc an ninh", hoặc để chống lại những người bất đồng chính kiến, nhà báo và học giả.

Trong thời đại này tồn tại các công ty được gọi là nhà môi giới dữ liệu, họ thu thập lượng thông tin khổng lồ về con người, từ sở thích đến thu nhập hộ gia đình và tình trạng sức khỏe, và sau đó bán dữ liệu cho các nhà tiếp thị để phục vụ việc quảng cáo cho khách hàng.

Báo NYT dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay những nước như Trung Quốc và Nga đang mua dữ liệu như vậy từ công ty môi giới, cũng như có được thông tin qua quan hệ đối tác làm ăn. Họ sử dụng dữ liệu mua được để tống tiền và giám sát, đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường khả năng khai thác thông tin.

Tờ NYT cũng nhận định rằng sắc lệnh của ông Biden là bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến tranh lạnh kỹ thuật số giữa Washington và Bắc Kinh.

Mỹ đã cắt nguồn cung ứng quan trọng về phần cứng của các công ty Trung Quốc.

Tháng 8-2023, ông Biden công bố các hạn chế nhằm gây thêm khó khăn cho các nhà đầu tư Mỹ khi bỏ tiền vào việc phát triển công nghệ nhạy cảm, như AI và điện toán lượng tử ở Trung Quốc.

Ngược lại Trung Quốc cũng đặt ra các hạn chế đối với các công ty công nghệ Mỹ hoạt động trong nước, đồng thời chặn quyền truy cập vào các trang web như Facebook và Google.

Nhìn rộng hơn, sắc lệnh của ông Biden phản ánh một phần xu hướng của các nước trong việc cố gắng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Các chính phủ ở châu Âu đã yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu công dân của họ trong biên giới quốc gia. Họ gọi đây là một dạng "chủ quyền kỹ thuật số".

Ngoài việc cấm bán dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho các nhà môi giới có thể gửi dữ liệu đó đến Trung Quốc hoặc các quốc gia khác, Washington đang xem xét lệnh cấm chặt chẽ việc bán dữ liệu gene.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày