Tình trạng sở hữu súng bị cho là một trong những nguyên nhân làm tổn hại tuổi thọ của người Mỹ
Theo tờ The Washington Post, vào năm 1979, người Mỹ có thể sống lâu hơn 1,5 năm so với người dân của một trong những quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhóm 35 quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Một người Mỹ sinh vào năm 1979 có thể sống tới 73,9 năm, trong khi đứa trẻ chào đời ở một trong những quốc gia OECD khác sẽ sống tới 72,3 tuổi.
Tuy nhiên, khoảng cách này đến năm 2015 đã bị đảo ngược. Người Mỹ chào đời năm 2015 được dự đoán có thể sống trung bình gần 79 tuổi, trong khi trẻ sinh ra ở một quốc gia OECD khác được dự đoán có tuổi thọ bình quân lên tới 81 tuổi.
Năm 2016 đánh dấu là năm thứ 2 liên tiếp tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm, tình trạng chưa bao giờ xảy ra kể từ đầu thập niên 1960. Nếu khuynh hướng này tiếp tục diễn ra, khoảng cách tuổi thọ trung bình giữa Mỹ và những nước giàu khác có thể sẽ ngày càng lớn, theo The Washington Post.
Mỹ đã chi tiền cho chăm sóc y tế tính trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới tới hàng ngàn USD, nhưng công dân Mỹ vẫn có tuổi thọ không bằng so với hầu hết quốc gia giàu khác. Dịch vụ chăm sóc y tế ở Mỹ tương đối tốt, nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Mỹ là quốc gia OECD duy nhất không bao phủ y tế toàn dân nên có tới hàng triệu người không có được bảo hiểm y tế, theo The Washington Post.
Ngoài ra, bạo lực cũng đang gây tổn hại tới tuổi thọ của người Mỹ. Tuy tỷ lệ giết người giảm đều đặn từ đầu thập niên 1990, nhưng người Mỹ vẫn đang đối mặt nguy cơ bị giết cao hơn so với công dân của hầu hết các nước giàu khác. Một nghiên cứu năm 2016 phát hiện “tỷ lệ vụ cố ý giết người ở Mỹ cao hơn 7 lần so với những quốc gia có thu nhập cao khác”, theo The Washington Post
Theo Thanh niên
© 2024 | Thời báo ĐỨC