Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên - Ảnh: CNN
“Đây là một ngôi làng đặc biệt, nơi mọi người phải ‘xếp hàng’ để chuyển đến sống và chẳng có mấy người dọn ra khỏi làng” - ông Lee Wan Bae (70 tuổi), trưởng làng của làng Thống Nhất thuộc địa phận ấp Gunnae, thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, giáp biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên, bày tỏ niềm tự hào đặc biệt về ngôi làng của mình.
Chia sẻ với Hãng thông tấn Yonhap, ông Lee cho biết với 30 năm đảm nhận chức vụ trưởng làng, cuộc đời ông gần như gắn liền với lịch sử làng Thống Nhất - ngôi làng chỉ cách Triều Tiên một đoạn ngắn.
Những người dân làng Thống Nhất vẫn ngày ngày nhìn thấy lá cờ Triều Tiên bay phấp phới ở bên kia biên giới bằng ống nhòm.
Ở thời điểm thành lập làng vào năm 1973, tổng cộng 348 người thuộc 84 hộ gia đình, trong đó có 40 hộ là quân nhân giải ngũ, 40 hộ là người dân di tản từ Triều Tiên và người dân bản địa sinh sống tại làng.
Tính đến tháng 7 vừa qua, dân số làng Thống Nhất chạm mức 401 người, tăng 15% sau 51 năm thành lập làng.
Sức hút du lịch bí ẩn
Du khách xếp hàng vào mua đặc sản và quà lưu niệm ở một cửa hàng tại làng Thống Nhất, biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên - Ảnh: YONHAP
Trước đó, làng Thống Nhất là một ngôi làng biệt lập, người bên ngoài không thể tự do ra vào làng này. Tuy nhiên kể từ khi khu phi quân sự (DMZ) mở cửa cho du khách tham quan, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đã ghé ngang ngôi làng đặc biệt này mỗi ngày.
“Trung bình mỗi ngày khu DMZ thu hút 1.500 đến 2.000 du khách trong và ngoài nước. Có lẽ bởi nước ta là quốc gia duy nhất trên thế giới có hai miền Nam Bắc bị chia cắt nên người nước ngoài rất quan tâm và luôn mong muốn được một lần đến tham quan”, ông Lee phân tích.
Theo ghi nhận của Yonhap, dù là ngày thường nhưng các xe du lịch đã xếp hàng dài trước cửa hàng bán đồ lưu niệm ngay cổng làng Thống Nhất từ 11h. Khách du lịch hào hứng mua các đặc sản của làng Thống Nhất như kem đậu nành Jangdan, bánh đậu đỏ Jangdan cũng như một số loại nông sản được trồng trong làng.
Ngoài tham quan, người dân ở làng cũng tổ chức Lễ hội đậu nành Jangdan - loại nông sản chính nuôi sống người dân nơi đây.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, Lễ hội đậu nành Jangdan thu hút khoảng 700.000 du khách mỗi năm.
“Làng Thống Nhất được mô phỏng theo hình thức kibbutz - một dạng khu định cư chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp của Israel.
Điểm đặc biệt của kibbutz là người dân vẫn làm việc trong các trang trại địa phương và có thể sẵn sàng tham chiến trong những trường hợp khẩn cấp”, ông Lee kể về điểm đặc biệt của làng Thống Nhất.
Theo lời kể của vị trưởng làng, người dân nơi này phục vụ trong lực lượng dự bị của quân đội đến năm 50 tuổi.
Hiện thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình ở làng Thống Nhất là 42 triệu won (hơn 31.000 USD) mỗi năm. Trong số hơn 80 hộ gia đình, 30% hộ làm nông và 70% sống dựa vào du lịch.
Vì sống giữa “họng súng” của Hàn Quốc và Triều Tiên, sinh kế của người dân trong làng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những căng thẳng địa chính trị giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Niềm hy vọng tương lai thống nhất
Giống cái tên Thống Nhất, người dân của ngôi làng này đều là những người mang trong mình niềm hy vọng, lòng khát khao hai miền Nam Bắc trên bán đảo Triều Tiên sớm thống nhất.
Thế nhưng tính đến năm 2024, làng Thống Nhất đã bước qua tuổi 51, đồng nghĩa với việc những người dân trong làng đều đã bước sang tuổi 60, 70 hay thậm chí là 80.
“Mang theo mong muốn mãnh liệt là bước sang Triều Tiên ngay sau khi hai miền thống nhất, chúng tôi khi đó là những thanh niên 30 tuổi đã lần đầu đặt chân đến làng. Bây giờ chúng tôi đều đã lớn tuổi cả rồi. Dù vậy, những ước mong của chúng tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào”, ông Lee bồi hồi kể.
“Tôi lo lắng khi quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng. Và dù thế hệ trẻ ngày nay nói rằng họ không quan tâm đến việc thống nhất đất nước, thì tôi vẫn chờ đợi ngày Hàn Quốc, Triều Tiên hòa làm một”, trưởng làng của làng Thống Nhất nói.
UYÊN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC