Ngoại trưởng Anh David Cameron (trái) và người đồng cấp Pháp Stephane Sejourne (Ảnh: SITA).
"Nếu Ukraine thua, tất cả chúng ta đều thua. Cái giá của việc không hỗ trợ Ukraine sẽ vượt xa cái giá phải trả để đẩy lùi lực lượng Nga", hai ngoại trưởng Anh và Pháp ngày 8/4 cảnh báo.
Cũng theo các quan chức này, dư luận thế giới đều đang dõi theo cuộc chiến và họ "sẽ phán xét nếu chúng ta thất bại".
Ông Cameron và ông Sejourne chỉ ra: "Như đã thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Paris hồi tháng 2, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đánh bại Nga. Chúng ta cũng cần tiếp tục hợp tác để đối mặt những thách thức toàn cầu khác".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Anh Cameron sẽ tới Washington trong tuần này, đồng thời có kế hoạch thuyết phục các thành viên quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Trước đó, ông Cameron đã kêu gọi những người đồng cấp châu Âu gây áp lực với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson.
Ông Mike Turner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết ông Johnson đã hứa sẽ đưa vấn đề hỗ trợ Ukraine ra biểu quyết sau khi quốc hội trở lại hậu nghỉ lễ Phục sinh 9/4.
Theo ông Johnson, gói viện trợ sắp tới của Mỹ dành cho Ukraine sẽ bao gồm "một số điều chỉnh quan trọng", trong đó có khả năng hỗ trợ Ukraine dưới dạng cho vay.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần qua cho biết, ông tin rằng quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh, Kiev sẵn sàng nhận tài trợ từ Mỹ dưới dạng khoản vay.
"Trên thực tế, nếu Ukraine phải lựa chọn được hỗ trợ ngay hôm nay dưới dạng khoản vay hoặc được cung cấp miễn phí sau một năm nữa, chúng tôi sẽ chọn hôm nay. Chúng tôi chỉ có một lựa chọn là sống sót và giành chiến thắng. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều này theo nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng là: càng sớm càng tốt", ông nói.
Trước đó, ông cho biết quân đội Ukraine đang cạn kiệt vũ khí, đạn dược do viện trợ từ phương Tây bị đình trệ. Ông thừa nhận, nếu Mỹ cắt viện trợ, Ukraine sẽ thua và khi đó các nước Đông Âu có thể là mục tiêu tiếp theo của Nga.
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 2 năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Moscow đang chiếm ưu thế trên chiến trường trong bối cảnh nguồn lực quân sự của Kiev cạn kiệt.
Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán với nhau kể từ khi cuộc hòa đàm ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đổ vỡ hồi tháng 3/2022.
Moscow nhiều lần phát tín hiệu sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng cáo buộc Kiev và các quốc gia đồng minh phương Tây từ chối đối thoại, khiến nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, ông Kirill Budanov, cho biết: "Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất hiện được xem là trung gian hòa giải hàng đầu trong vấn đề trao đổi tù nhân giữa Kiev và Moscow.
Ông Budanov nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động trao đổi tù nhân, đồng thời UAE sẽ là quốc gia thay thế. Song, cũng theo quan chức này, Moscow chưa thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào về vấn đề đó.
Theo Pravda
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC