Trữ lượng dầu khí khổng lồ được Nga phát hiện tại lãnh thổ Anh ở Nam Cực. Ảnh: Government of the British Antarctic Territory
Nga đã tìm thấy trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở Nam Cực, phần lớn nằm trong khu vực mà Anh tuyên bố chủ quyền, Telegraph đưa tin.
Nga phát hiện trữ lượng dầu và khí đốt lên tới 511 tỉ thùng ở lãnh thổ Nam Cực của Anh. Trữ lượng khổng lồ này gấp khoảng 10 lần toàn bộ sản lượng dầu của Biển Bắc trong nửa thế kỷ qua.
Trữ lượng dầu và khí đốt ở Nam Cực do tàu nghiên cứu Alexander Karpinsky của cơ quan Nga Rosgeo phát hiện và đã báo cáo cho Mátxcơva. Rosgeo là cơ quan nghiên cứu địa chất lớn của Nga chịu trách nhiệm tìm kiếm trữ lượng khoáng sản để khai thác thương mại.
Thông tin Nga phát hiện trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ ở Nam Cực được Telegraph lấy từ tài liệu cung cấp cho Ủy ban Kiểm toán Môi trường Vương quốc Anh (EAC) vào tuần trước.
Tàu nghiên cứu Alexander Karpinsky của Nga. Ảnh: Rosgeo
Nam Cực được bảo vệ theo Hiệp ước Nam Cực năm 1959, cấm phát triển khoáng sản và dầu mỏ trong khu vực. Lợi ích của Vương quốc Anh tại Nam Cực do Bộ Ngoại giao nước này chịu trách nhiệm quản lý.
Hiệp ước Nam Cực năm 1959 được lập ra để đảm bảo Nam Cực được sử dụng "chỉ cho mục đích hòa bình" và sẽ không "trở thành hiện trường hoặc đối tượng của bất hòa quốc tế".
Hiệp ước Nam Cực sẽ được xem xét lại vào năm 2048 nhưng bất kỳ quốc gia nào liên quan cũng có thể rút khỏi hiệp ước theo ý muốn.
Ông David Rutley - Thứ trưởng phụ trách Châu Mỹ và Caribbean - phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội Anh rằng, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh tin là Nga đang tiến hành nghiên cứu khoa học trong khu vực Nam Cực. Nga gần đây đã "tái khẳng định cam kết của mình với các nội dung chính của hiệp ước", ông nói.
Trong khi đó, chuyên gia về Nam Cực Klaus Dodds - Đại học Hoàng gia Holloway - chia sẻ với Telegraph, các hoạt động của Nga gần giống với việc tìm kiếm dầu khí hơn là hoạt động khoa học.
Lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh (BAT) là lãnh thổ lớn nhất và nằm ở xa nhất về phía nam trong số 14 lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh.
Lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh cũng là lãnh thổ hải ngoại ít hiếu khách nhất, với 99% lãnh thổ có băng bao phủ. Tuy nhiên, thời tiền sử, nơi đây có khí hậu ấm hơn, với thảm thực vật có khả năng góp phần hình thành các mỏ nhiên liệu hóa thạch.
Lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh trải dài từ điểm cực về phía tây bắc, ôm lấy bán đảo Nam Cực và biển Weddell. Biển Weddell là nơi nổi tiếng về mặt lịch sử, nơi con tàu Endurance của nhà thám hiểm Ernest Shackleton bị chìm. Khu vực này hiện có khả năng chứa trữ lượng dầu khí khổng lồ.
Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh có 5 trạm nghiên cứu và hậu cần, cùng 250 nhân viên, được Hải quân Hoàng gia Anh và tàu nghiên cứu RSS David Attenborough hỗ trợ. Các hoạt động của Anh tại Nam Cực không chỉ có vai trò khoa học quan trọng mà còn để duy trì yêu sách của nước này trong khu vực.
© 2024 | Thời báo ĐỨC