CNN mới đây trích dữ liệu từ Euromonitor cho biết người tiêu dùng châu Âu sắp tới sẽ phải trả thêm tiền khi mua bơ sữa và có thể không có đủ bơ sữa cho tới Giáng Sinh năm nay.
Giá bán lẻ mặt hàng này đã tăng trong tháng 6 vừa qua lên 20% so với thời điểm năm ngoái vì sản lượng bị giảm đáng kể.
Liên đoàn các Nhà kinh doanh Bánh, một nhóm công nghiệp đại diện cho các nhà làm bánh Pháp cảnh báo đây là “cuộc khủng hoảng lớn”, tình trạng thiếu bơ sữa đang trở thành mối đe dọa thực sự và sẽ xảy ra vào thời điểm cuối năm nay. Điều này có nghĩa, các loại bánh như bánh sừng bò, bánh quy và bánh mì tăng mạnh.
“Giá bơ dù dễ biến động song trước đây chưa từng chạm ngưỡng này. Tình trạng thiếu bơ dường như là mối đe dọa thực sự vào cuối năm nay” - Liên đoàn các Nhà kinh doanh Bánh cho biết.
Châu Âu có thể hết sạch bơ sữa cho Giáng Sinh năm nay.
Ngày càng nhiều người dân châu Âu chuyển hướng lựa chọn thực phẩm có tính tự nhiên và ít qua chế biến hơn vì mối lo sức khỏe. Bơ làm dấy lên mối lo về tiêu thụ chất béo của người dân châu Âu.
Theo chuyên gia phân tích thực phẩm Raphael Moreau, người tiêu dùng châu Âu ngày càng chọn nhiều thành phần được xem là tự nhiên và ít qua chế biến hơn là bơ vì mối lo sức khỏe.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho hay trung bình, một người châu Âu ăn 3,8 kg bơ trong năm 2015, nhiều hơn so với mức 3,58 kg năm 2010. Một người Mỹ thì tiêu thụ 2,5 kg bơ năm 2015, tăng từ mức 2,2 kg trong năm 2010.
Còn nhu cầu các sản phẩm sữa nước ngoài của Trung Quốc lại đang bùng nổ.
USDA dự báo nhập khẩu sữa của Trung Quốc tăng 38% trong năm nay, hầu hết là các sản phẩm đến từ Liên minh châu Âu (EU) và New Zealand. Theo dự báo tiêu thụ bơ toàn cầu sẽ tăng thêm 3% trong năm nay.
Cùng với đó, năm 2014, Nga tuyên bố cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong đó có bơ sữa từ châu Âu nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà châu Âu và Mỹ nhằm vào Moscow liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Lệnh cấm từ Nga - quốc gia vốn chiếm 24% lượng bơ xuất khẩu của EU - khiến ngành sản xuất bơ sữa ở đây buộc phải ngừng lại.
Năm ngoái, hàng nghìn người đã biểu tình ở Brussels (Bỉ), chặn các con phố và tấn công cảnh sát bằng cỏ khô và trứng bởi giá bán các loại sữa, và nông phẩm đã tụt dốc tới hơn 20%, người nông dân điêu đứng trên chính các sản phẩm của mình.
Thời điểm đó, giá sữa lẻ giảm 5% nhưng giá bán buôn đã giảm tới 20% và người ta có thể uống sữa thay nước vì giá nước thậm chí còn đắt hơn 1 lít sữa.
Ước tính có khoảng 1.000 nhà sản xuất phải tuyên bố phá sản chỉ riêng ở Anh.
Cơ quan Giám sát Sữa châu Âu cho biết sản lượng bơ hạ 5% tính đến tháng 5 năm nay. Trong khi đó, trữ lượng bơ giảm 98% trong vòng một năm.
CEO Peder Tuborgh của hãng sữa Arla cảnh báo hồi tháng trước rằng châu Âu có thể không đủ sữa và kem để dùng trong dịp Giáng sinh năm nay.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến giá bơ tăng lên, đó là biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Water Footprint Network (WFN) do EU tài trợ thực hiện cho thấy, tình trạng khan thiếu nước do biến đổi khí hậu có thể đẩy giá thịt và bơ sữa tăng lên ở châu Âu khi làm gián đoạn nguồn cung đậu tương, loại ngũ cốc thường được sử dụng nhiều trong chăn nuôi.
Nguồn đậu tương của EU hầu hết là từ bên ngoài khối, chủ yếu từ Argentina, Brazil và Mỹ.
Theo Ertug Ercin, đồng tác giả của báo cáo trên, 57% lượng đậu tương nhập khẩu là từ các khu vực có nguy cơ thiếu nước cao và điều này khiến châu Âu có thể đứng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Việc các khu vực trồng đậu tương có khả năng không đủ nước sẽ dẫn tới việc sản lượng giảm và giá tăng, từ đó làm giá thịt và các sản phẩm bơ sữa ở châu Âu tăng theo.
Theo Giám đốc điều hành WFN, nền kinh tế EU phục thuộc vào điều kiện về nước đối với nhiều loại cây trồng ở các nơi khác của thế giới và điều này khiến khu vực dễ bị tổn thương trước tình trạng khan thiếu nước và hạn hán gia tăng.
Nguồn: Báo Đất Việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC