Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phá vỡ sự im lặng về ý định tham gia tranh cử vào tháng 3 năm sau. Nếu không có bất ngờ, người đồng cấp trong cả 4 năm tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ vẫn là ông Putin.
Cuộc chơi của thời điểm
Nói như tờ báo Mỹ New York Times thì hôm 6-12, tổng thống Nga đã đưa ra một tuyên bố “đúng dự đoán từ lâu” về việc ông có thể sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.
Vấn đề là “chuyện mà ai cũng biết rồi đấy” tại sao lại được đưa ra vào lúc này, ở một nhà máy sản xuất xe cộ thuộc khu công nghiệp ở Nizhny Novgorod – thành phố mà đại văn hào Maxim Gorky, người đề cao vai trò lịch sử của nhân dân – đã sinh ra?
Phó giám đốc Viện Nghiên cứu dân tộc học và nhân chủng học Nga Vladimir Zorin khẳng định thời điểm và nơi chốn hoàn toàn được lựa chọn có chủ đích.
Tuyên bố đưa ra trong một tập thể của những người lao động, và đây là điều rất quan trọng khi thành phố này là một trong những nơi nổi tiếng nhất, giàu truyền thống nhất.
Việc ông Putin có thể lãnh đạo nước Nga trong một nhiệm kỳ 6 năm nữa đồng nghĩa mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn dự kiến nhiều thăng trầm, như cách nó từng thể hiện trong cái gọi là “căng thẳng nhất từ sau chiến tranh lạnh”.
Tin tức về ông Putin nhanh chóng chiếm trọn các mặt báo Âu – Mỹ, những nơi còn say sưa trong các bài phân tích trước, trong và sau sự kiện ông Trump thổi lửa căng thẳng vào Trung Đông với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trận địa mới
Ngay trong ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định này, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mamoud Abbas, nhắn rằng ông ủng hộ việc nối lại đàm phán hòa bình Israel – Palestine.
Dù các chi tiết sâu hơn về cuộc nói chuyện này không được công bố, nó cũng ít nhiều phản ánh khác biệt trong lập trường của Nga và Mỹ về Jerusalem. Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày khẳng định “sự báo động” trong tư thế của Mỹ, vì tạo ra nguy cơ phức tạp hóa tiến trình hòa bình.
Jerusalem chỉ là một trong những bàn cờ mới trong cuộc chơi địa chính trị cũ mà Nga và Mỹ đang tham gia.
Từ khi tiến hành không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, Nga đã xác lập một mối quan hệ ngày càng khăng khít với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ – những đối trọng của liên minh Ả Rập của Saudi Arabia – nước đầu tiên ông Trump ghé thăm khi làm tổng thống.
Trung Đông và Syria cũng là một phần trong vòng cung phía tây mà Nga được cho đã chú trọng đặt tầm ảnh hưởng để ngăn ngừa những kịch bản xấu có thể xảy đến từ phương Tây.
Nhắc đến đây, dễ liên tưởng về mấu chốt gây căng thẳng giữa Matxcơva với Washington và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2014: vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột miền đông Ukraine.
Nó đã dẫn tới lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây dành cho Nga. Lẫn trong số rất nhiều tin tức đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 8-12 trong phát biểu bên lề cuộc họp ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OSCE) ở Vienna (Áo), đã khẳng định vấn đề Ukraine – Crimea vẫn là vật cản trong quan hệ Nga – Mỹ.
Và theo ông Tillerson, lệnh trừng phạt Nga vẫn sẽ giữ nguyên cho tới khi nào Matxcơva trả lại đầy đủ quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine, theo CNN.
Ở một góc nhỏ Venezuela, khi Mỹ trừng phạt quốc gia Nam Mỹ này thì Nga cũng dang tay giúp đỡ.
Từ châu Á sang châu Âu cho tới Trung Đông, Nam Mỹ…, bất kể nơi nào Mỹ có mặt thì Nga cũng không vắng bóng. Và thái độ “hảo hữu” mà Tổng thống Mỹ Trump dành cho Tổng thống Nga Putin sẽ chỉ được kiểm chứng vào ngày 31-1-2018, thời điểm quyết định của lệnh trừng phạt kinh tế.
© 2024 | Thời báo ĐỨC