"Mỹ sẽ sớm công bố hơn 2,3 tỷ USD hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết tại cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov ở Washington hôm 2/7.
Gói viện trợ bao gồm hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng và các loại đạn dược quan trọng khác. Nó cũng giúp Mỹ đẩy nhanh tiến trình mua các tổ hợp NASAMS và Patriot để viện trợ cho Ukraine, theo ông Austin.
AP cho biết 150 triệu USD vũ khí, đạn dược trong gói viện trợ sẽ được cung cấp theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), số còn lại được mua bằng ngân sách trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).
PDA cho phép chính phủ Mỹ có thể rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua. Với USAI, Washington sẽ ký hợp đồng dài hạn với các tập đoàn quốc phòng để mua vũ khí chuyển giao cho Kiev.
Binh sĩ Ukraine cầm đạn pháo tại khu vực gần Lyman hôm 25/5. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Umerov cảm ơn ông Austin về gói viện trợ mới, cho biết điều này sẽ giúp Ukraine ngăn chặn chiến dịch của Nga.
Mỹ là nước hỗ trợ quân sự chính cho Ukraine và đã cam kết cung cấp hơn 51 tỷ USD về vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ an ninh khác cho Kiev kể từ khi xung đột tại nước này bùng phát tháng 2/2022.
Dù vậy, trong giai đoạn đầu năm nay, Mỹ chỉ viện trợ quân sự một cách hạn chế cho Ukraine, bao gồm gói hỗ trợ 300 triệu USD triển khai bằng cách sử dụng số tiền Lầu Năm Góc tiết kiệm được từ các giao dịch khác, trong bối cảnh quốc hội nước này đã chặn các khoản hỗ trợ quân sự lớn cho Kiev trong gần một năm rưỡi.
Phải đến tháng 4, quốc hội Mỹ mới phê duyệt dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine. Washington sau đó đã triển khai nhiều gói viện trợ quân sự mới cho Kiev.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã tận dụng thời gian viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị trì hoãn để giành thế chủ động trên chiến trường. Lực lượng của Moskva hồi tháng 2 chiếm được Avdeevka, thành trì chiến lược ở tỉnh Donetsk, cùng một loạt các khu vực khác sau đó nhờ áp đảo đối phương về hỏa lực.
Cuộc gặp giữa ông Austin và ông Rumerov diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tổ chức tại Washington vào tuần tới.
Ông Austin cho biết các bên sẽ "thực hiện các bước để xây cầu nối cho tiến trình gia nhập NATO của Ukraine", đồng thời lưu ý rằng Washington và Kiev vừa ký thỏa thuận an ninh 10 năm.
"Tôi mong muốn được thảo luận thêm về các cách để đáp ứng nhu cầu an ninh tức thì của Ukraine, cũng như xây dựng lực lượng trong tương lai để ngăn chặn hành động gây hấn khác của Nga", người đứng đầu Lầu Năm Góc nói.
Phái đoàn Mỹ (phải) và Ukraine trong cuộc gặp hôm 2/7 tại Lầu Năm Góc. Ảnh: AFP
Ông Umerov cho biết Ukraine rất mong muốn trở thành thành viên NATO, bày tỏ hy vọng Kiev sẽ "sớm nhận được lời mời".
Sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát, NATO đã có thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, Mỹ cho biết không thể kết nạp Ukraine vào khối cho đến khi chiến sự tại nước này kết thúc.
Phạm Giang (Theo AFP, AP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC