Theo Thời báo Tài Chính (FT), đây là kết quả của các nỗ lực trong vài tháng qua nhằm đẩy nhanh việc đảm bảo Washington đồng ý khoản vay này trước khi bầu cử tổng thống, vì lo sợ rằng nếu Cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử, thì các ủng hộ cho Ukraine có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 6, các quốc gia G7 đã bắt đầu thảo luận phương án cung cấp cho Ukraine một khoản vay 50 tỷ USD. Khoản vay này được trả bằng tiền lãi của khối tài sản của Nga đang bị phương Tây phong tỏa (khoảng 300 tỷ USD) vì lý do chiến tranh Ukraine.
Có một khúc mắc trong khi thảo luận vấn đề này, theo FT tường thuật, đó là Liên minh EU vẫn chưa thể đạt được đảm bảo sẽ phong tỏa dài hạn phần tài sản Nga. Cơ sở của việc phong tỏa là các lệnh trừng phạt kinh tế Nga với lý do chiến tranh Ukraine, mà các lệnh này phải được duyệt với chu kỳ 6 tháng, theo nhiệm kỳ luân phiên. Cho đến nay, EU vẫn chưa loại bỏ được khả năng rằng Hungary có thể dùng quyền phủ quyết. Trong khi đó, phía Mỹ, trước đó vẫn yêu cầu rằng EU phải đảm bảo phong tỏa lâu dài, tối thiểu 3 năm, thì Mỹ mới có thể đóng góp phần của mình.
Theo FT, các nguồn tin riêng là các quan chức Mỹ đã nói với FT hôm Thứ Sáu, rằng Mỹ nay đã sẵn sàng góp phần của mình, toàn bộ, tức là 20 tỷ USD, kể cả trường hợp EU không thể thuyết phục được thủ tướng Viktor Orban của Hungary.
Trong tổng số 300 tỷ USD tài sản Nga bị phong tỏa kể từ 2022, thì EU phong tỏa 214 tỷ USD (197 tỷ Euro). Theo FT thì hàng năm nó sinh lời khoảng 3 tỷ Euro.
Các bộ trưởng tài chính của G7 dự kiến sẽ gặp mặt vào 25 tháng này tại Washington, cùng với IMF và World Bank, theo 2 quan chức Mỹ nói với FT, và dự kiến sẽ công bố cấu trúc khoản vay này.
Ngoài Mỹ (20 tỷ USD) và EU (35 tỷ Euro), thì trong G7 còn có Canada và Nhật Bản, dự kiến cũng đóng góp phần của mình cho tổng số 50 tỷ USD dự kiến.
Theo FT hôm Thứ Năm vừa qua, các nhà lãnh đạo trong cuộc gặp mặt ở Brussels đã hết sức cố gắng, như một lần cuối cùng, để thuyết phục ông Orban, nhưng ông Orban vẫn kiên trì quan điểm của mình.
Ông Orban nói rằng cái được gọi là “kế hoạch chiến thắng” của Zelensky là một “chiến lược sai lầm”, là một “tính toán nhầm lẫn”. Ông cổ xúy việc hòa đàm với Nga, và ông đã từng có một số nỗ lực đứng ra làm trung gian hòa giải.
Về phía Nga, Nga cho rằng việc hành động rút đi tài sản của họ đặt ở nước ngoài, dù bằng cách nào, gồm cả theo cách mà G7 đang dự kiến, đều là hành động “trộm cướp”. Tuần qua chủ đề “phi đô la hóa” lại được nhấn mạnh trong khối BRICS, và BRICS lại một lần nữa tìm cách thể hiện rằng họ đang trở thành một nền tảng thay thế cho các cơ cấu của phương Tây.
Về phía Kho bạc Hoa Kỳ, FT đưa tin rằng không bình luận gì từ Kho bạc về vấn đề cho Ukraine vay 50 tỷ.
Nhật Tân (theo FT)
© 2024 | Thời báo ĐỨC